HỒ NGỌC ĐẠI SAI TỪ CĂN BẢN CỦA TIẾNG VIỆT
Nguyễn Thành-Trí, Sài Gòn 13/9/2018
Rất đáng tiếc chúng tôi phải nói ngay ở đây là
Hồ Ngọc Đại đã sai từ đầu, sai từ căn bản của tiếng Việt. Hồ Ngọc
Đại đã quên hay đã không biết rằng TIẾNG VIỆT LÀ TIẾNG ĐƠN ÂM. Tất cả người Việt mỗi ngày nói tiếng
Việt có lẽ biết chắc rằng tiếng Việt của họ là tiếng đơn âm, mỗi
chữ mỗi tiếng chỉ có một âm, một vần hay âm tiết. Tiếng Việt không
giống với tiếng Anh, tiếng Pháp là loại tiếng nói ĐA ÂM, mỗi chữ
mỗi tiếng có nhiều âm, nhiều vần.
Như vậy, tiếng Việt không cần phải sử dụng các ô vuông, hình tròn, hoặc hình tam giác làm
phương pháp đếm số vần hay số âm tiết, gọi là counting syllables. Thí dụ cụ
thể “Tháp mười đẹp nhất bông sen”
được tách ra thành sáu tiếng rời. Tương đương với chữ Anh “Internationalism”
được tách ra đếm thành sáu vần hay sáu âm tiết là (in-ter-na-tion-al-lism). Tiếng Việt
đơn âm cả một câu “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” bằng với tiếng Anh đa
âm chỉ một chữ với sáu âm tiết hay sáu vần “Internationalism”.
Tiếng Việt
có đặc tính cấu trúc ghép chữ hay ghép tiếng. Trong cách nói và
cách viết người Việt ghép một chữ với một số chữ khác nhau để làm
nên những chữ mới. Thí dụ, chữ
“như” ghép với
những chữ khác để thành những chữ mới có ý nghĩa khác nhau là “như
ai”, “như chơi”, như hệt”, “như in”, “như không”, “như là”, “như nguyện”,
“như quả”, “như sau”, “như thế”, “như thể”, “như thường”, “như trên”, “như
tuồng”, “như vầy”, “như vậy”, “như ý”; nếu người Việt cắt xén bớt
chữ thì chúng ta không biết được chữ “như” là “như nào?”
Hồ Ngọc Đại
đưa ra cách dạy các học sinh mẫu giáo và lớp 1 bằng cách “từ âm đến chữ”; như
vậy, rất khác với cách dạy hiện tại là “từ chữ đến âm”. Cách dạy “từ
âm đến chữ” có trở ngại ở một số chữ “đồng âm dị nghĩa” phát âm
của chúng giống nhau, nhưng có những ý nghĩa khác nhau. Thí dụ, chữ “ba” cùng một âm tiết, nhưng có
những nghĩa khác nhau như “cha, bố, tên gọi, thứ bậc, con số”. Cũng như chữ “hồ” cùng cách phát âm
giống nhau, nhưng có những nghĩa khác nhau là “bác Hồ, họ Hồ, ao hồ,
bình đựng rượu, hồ để dán, bã hồ xây dựng, cổ áo có hồ cho cứng,
chồn cáo, tiền xâu các con bạc phải trả cho chủ xòng bạc. Có rất
nhiều thí dụ cụ thể, nhưng chỉ nêu ra đây vài thí dụ tiêu biểu thôi.
Để khắc phục trở ngại trong cách dạy tiếng Việt “từ âm đến chữ”,
từ rất lâu hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn giữ vững cách dạy tiếng
Việt “từ chữ đến âm”. Học sinh có khả năng nhận dạng mặt chữ trước
khi nghe và biết âm thanh của chữ đó ra sao.
Hồ Ngọc Đại
lập luận rằng “Mỗi lần phát âm chỉ được một
tiếng, thay mỗi tiếng bằng một mô hình để học sinh
biết rằng mỗi tiếng là một khối nguyên và được tách ra từ trong lời
nói.” Tất nhiên
“mỗi lần phát âm chỉ được một tiếng, vì tiếng Việt rõ ràng là
tiếng ĐƠN ÂM. Tại sao Hồ Ngọc Đại thay mỗi tiếng bằng một mô hình
vuông, tròn, tam giác, v.v... mà không thay vào hình vẽ minh hoạ. Thí
dụ, Tháp Mười minh hoạ bằng bản đồ khu vực Tháp Mười; Sen minh hoạ
bằng bông sen; Hồ minh hoạ Hồ Chí Minh, hay ao hồ, chồn cáo, v.v... Hơn
nữa, có quá ít các mô hình vuông, tròn, tam giác không đủ để thể
hiện được hết rất nhiều chữ Việt. Các học sinh nhỏ sẽ thắc mắc
tại sao cùng một hình vuông, tròn, tam giác mà nghe những tiếng khác
nhau?
Vẫn căn cứ
theo Hồ Ngọc Đại, bài học đầu
tiên là học “TIẾNG”. Học
sinh mẫu giáo và
lớp 1 lần đầu tiên biết
được và biết cụ thể dưới dạng một khái niệm khoa
học “tiếng là một khối âm toàn vẹn được tách ra từ chuỗi lời nói”
thành từng tiếng rời và mô hình
hóa dưới dạng các vật thay thế. Từ lập luận này, tất cả người Việt chúng ta
nhận biết rằng Hồ Ngọc Đại giảo biện. Tiếng Việt là tiếng Đơn Âm,
mỗi một tiếng có một vần hay âm tiết riêng biệt và đầy đủ. Từ rất
lâu hơn một trăm năm Tiếng Việt đã không bị vỡ vụn để Hồ Ngọc Đại
lên giọng trí thức rởm hay dởm nói rằng “tiếng
là một khối âm toàn vẹn”. Hồ Ngọc Đại còn nói “được tách ra từ chuỗi lời nói”, có nghĩa là được tách ra từ
một câu hay nhiều câu. Quả thật, Hồ Ngọc Đại đã không biết tiếng
Việt có những câu rất ngắn và có một tiếng hay một chữ. Thí dụ, câu mệnh lệnh “Đi”, “Đừng”; câu
xác định “Rồi”, “Được”; câu phủ định “Chưa”, “Không”; câu nghi vấn “Hả?”,
“Sao?” Với vài ba câu thí dụ này, Hồ Ngọc Đại lấy đâu ra nhiều
“tiếng” để “tách ra từ một chuỗi lời nói”
Với học sinh mẫu giáo và lớp 1 người Việt, vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nên chúng nói tiếng Việt đúng một
cách tự nhiên. Chúng biết nói đúng tiếng Việt trước khi học biết
các mặt chữ cái, cũng như các nguyên âm, nguyên âm kép, và các phụ
âm. Khi giảng dạy bảng chữ cái tiếng Việt, các thầy cô giáo sẽ nói
những chữ nào là nguyên âm và những chữ nào là phụ âm. Đến khi học
ráp vần, chúng sẽ biết chính xác chữ cái, hay âm vị nào là nguyên
âm hay phụ âm. Trái
lại, Hồ Ngọc Đại đã rất rườm rà khi nói khoa trương rằng “học sinh được học cách lấy các âm từ
trong tiếng với các thao tác phân tích tiếng thành các đơn vị
ngữ âm nhỏ nhất là âm vị. Thí dụ, tiếng
Ba:
b - a => ba”
Thật tức
cười khi nghe Hồ Ngọc Đại giảo biện rằng “học
sinh lại được tiếp tục rút ra các khái niệm khoa học từ các thao
tác như phát âm, phân tích bằng tay, bằng miệng, nhận xét luồng hơi
khi phát âm để nhận ra đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm” Quả thật,
Hồ Ngọc Đại đã quên rằng các học sinh mẫu giáo và lớp 1 này là người Việt nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, nên khi
chúng phát âm không cần phải múa tay, múa chân, và một cách tự nhiên chúng không phải vặn môi, bẻ lưỡi
để nhận xét luồng hơi thở ra khi phát âm là âm vị nguyên âm hay phụ
âm. Rõ ràng Hồ Ngọc Đại còn đi luôn một hơi quá trớn. Hồ Ngọc Đại nói khoa trương thêm “đồng thời hiểu một cách cụ thể vì sao nó là nguyên
âm và vì sao nó lại là phụ âm. Sau đó học cách ghi lại các âm đó
bằng các kí hiệu. Ký Hiệu mà Hồ Ngọc Đại đề
cập đến là Chữ Cái mà bây giờ gọi là Con
Chữ. Người ta không nói Chữ Cái là Ký Hiệu. Người ta nói Ký Hiệu
khi đề cập tới những dấu Ký Hiệu Phiên Âm hay dấu Ký Âm.
Với mục đích
cho người nước ngoài tự học giỏi tiếng Việt và phát âm đúng chuẩn
tiếng Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam, vào năm 2005 đã có xuất bản quyển sách TIẾNG VIỆT DỄ HIỂU
CHO QUÍ VỊ – SIMPLE VIETNAMESE FOR YOU. Trong cuốn
sách này
có một hệ thống dấu Ký Hiệu Phiên Âm tiếng Việt được sử dụng theo
hệ thống dấu ký âm quốc tế của Hiệp Hội Ngữ Âm Quốc Tế –
International Phonetic Association IPA. Bằng một hệ thống Dấu Ký Âm Quốc
Tế – International Phonetic Alphabet rất hoàn chỉnh. Tiếng Việt trong
cuốn sách Simple Vietnamese For You đã được đưa lên ngang hàng với tiếng
Anh, tiếng Pháp. Sau mười ba năm
được bán trên khắp thế giới, cuốn sách này vẫn còn bán trên mạng
Amazon theo Link :
Theo chương trình dạy tiếng
Việt của Hồ Ngọc Đại, hai tuần lễ đầu vào học “thầy cô giáo cho một câu thơ, một câu ca dao nào đó rồi hướng dẫn
các em học thuộc lòng theo 4 mức độ: to, nhỏ, nhẩm, thầm để các em khắc sâu hơn lời nói để tiện
tách ra thành từng tiếng rời nhau”. Hướng dẫn để học sinh học thuộc lòng
là phương cách Học Vẹt. Thầy cô
giáo và học sinh đã phí thời gian hai tuần lễ làm việc vô ích; trong
khi đó nếu học sinh được học bảng chữ cái tiếng Việt thì chúng sẽ
biết chính xác chữ cái nào là nguyên âm, chữ cái nào là phụ
âm. Cái độc nhất vô nhị nhưng độc
hại và vô duyên của Hồ Ngọc Đại là yêu cầu thầy cô giáo dạy tiếng mẹ
đẻ cho học sinh nhỏ mới học lớp vỡ lòng cùng tiếng mẹ đẻ phải
“hướng dẫn các em học thuộc
lòng theo 4 mức độ: to, nhỏ, nhẩm, thầm để các em khắc sâu hơn lời nói” Đúng là chưa có thời kỳ nào thầy cô
giáo lớp mẫu giáo và lớp 1 ở Việt
Nam bị hành hạ khổ sở như vào thời kỳ này. Đúng là chưa có một nước nào dạy
tiếng mẹ đẻ cho con cháu của mình lại rất hài hước “to, nhỏ, nhẩm,
thầm” như Hồ Ngọc Đại vậy. Ở đây
xin nhắc lại rằng các em học sinh nhỏ tự nhiên biết nói tiếng Việt
mẹ đẻ của chúng trước khi đi học lớp mẫu giáo và lớp 1.
Phương
pháp dạy và học một ngôn ngữ, một tiếng nói phải giản dị, dễ
hiểu. Ngược lại, thật sự Hồ Ngọc Đại đã bày ra nhiều trò làm cho
việc dạy và học tiếng Việt trở nên rườm rà, phức tạp ngay từ bước
đầu. Bởi vì “Sau phần học TIẾNG mới
được tìm hiểu cấu trúc ngữ âm, vần, luật chính tả, nguyên âm đôi và phần cuối
là luyện tập tổng hợp”,
Có lẽ khi
soạn chương trình dạy và học Tiếng Việt 1
Công Nghệ Giáo Dục, Hồ Ngọc Đại đã không tự đặt mình vào vị trí của các em học
sinh nhỏ học mẫu giáo và lớp 1.
Trước hết,
trong quá trình phát triển kiến thức của trẻ em, các em học sinh nhỏ tiếp thu sự hiểu biết trực tiếp
bằng hình ảnh và liên kết
hình ảnh với ý nghĩa. Hồ Ngọc Đại đã dùng hình tròn, hình vuông,
hình tam giác để mô hình hoá rất nhiều tiếng, nhiều chữ khác nhau
có ý nghĩa khác nhau; như vây Hồ Ngọc Đại không đạt mục đích là thể
hiện được chính xác những tiếng, những chữ mà hình tròn, hình
vuông, hình tam giác được dùng đề thể hiện chúng. Tại sao không dùng
những hình ảnh minh hoạ? Những hình ảnh minh hoạ sẽ giúp cho các em
học sinh nhỏ vui mắt, vui miệng khi được thầy cô giáo nói lên rồi các
em học sinh nhỏ lặp lại, và sẽ ghi nhớ ngay khi liên kết chúng với ý
nghĩa thực tế của các đồ vật, sự việc
Trên thực tế thật đáng tiếc cho Hồ Ngọc Đại đã cóp nhặt, bắt
chước người khác, nhưng làm không đúng mục đích và yêu cầu. Nếu Hồ
Ngọc Đại đã có mục đích và yêu cầu là âm mưu PHÁ HOẠI TIẾNG VIỆT, thì việc làm phá
hoại đó phải để cho toàn thể người Việt ở khắp mọi nơi xét xử. Từ lâu trên thực tế các trường mẫu giáo và lớp 1 ở Singapore và Malaysia đã áp dụng phương pháp hình học ô vuông
hoặc vòng tròn hoặc tam giác để dạy các em
học sinh nhỏ tách ra đếm số
vần hay số âm tiết của một chữ có nhiều âm, nhiều vần. Tuy nhiên, trẻ
em lớp mẫu giáo và lớp 1 ở
Singapore và Malaysia học tiếng Anh Đa Âm
nhiều vần nhiều âm tiết; chúng rõ ràng không học tiếng Việt Đơn Âm
một chữ một âm.
Các thứ tiếng như tiếng Anh có nhiều vần hay âm tiết mới cần
phát âm đúng trọng âm của nó, còn tiếng Việt đơn âm mỗi chữ có dấu
giọng riêng biệt của nó với một ý nghĩa khác nhau, nên không cần
phát âm theo trọng âm.
Tóm lại, Hồ Ngọc Đại đã SAI TỪ CĂN BẢN CỦA TIẾNG VIỆT. Thật
đáng tiếc./.
Nguyễn Thành-Trí, Sài Gòn 13/9/2018