Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

NGÀY CỦA MẸ, GIẤY KHAI SANH CON Ở ĐÂU?

   NGÀY CỦA MẸ,
GIẤY KHAI SANH CON Ở ĐÂU?
(Nhân dịp Ngày Của Mẹ 8/5/2016, đăng lại bài viết này Ngày Của Mẹ 8/5/2011)

WHERE'S THE REAL BIRTH CERTIFICATE?
NGÀY CỦA MẸ, GIẤY KHAI SANH CON Ở ĐÂU? 

Trong hình nêu trên là một tấm bảng quảng cáo rất lớn với hàng chữ in cở lớn bằng tiếng Anh có nghĩa là “GIẤY KHAI SANH Ở ĐÂU?”  Tấm bảng quảng cáo này là một phần trong chiến dịch khuấy động dư luận dân chúng Mỹ để đặt nghi vấn về nơi sanh thực sự của TT Obama.  Những tấm bảng quảng cáo có nội dung như vậy đã thấy ở ngoài đường phố hoặc trên các xa lộ của tiểu bang Louisiana, Pennsylvania, California, v.v... do WorldNetDaily một tổ chức truyền thông liên mạng của phe Cộng Hoà Mỹ bảo thủ thực hiện.  Họ đã khuấy động dư luận dân chúng Mỹ nghi ngờ giấy khai sanh của TT Obama là giả tạo, Obama được sanh ra ở nước Kenya chứ không phải ở tiểu bang Hawaì, thuở thiếu niên Obama đã có một thời gian sinh sống tại nước Nam Dương trở thành công dân nước Nam Dương nên đã mất quốc tịch Mỹ, người cha của Obama là công dân nước Kenya thuộc địa Anh Quốc nên khi sanh ra Obama đã có song tịch, quốc tịch Kenya thuộc địa Anh và quốc tịch Mỹ, Obama không phải là công dân Mỹ tự nhiên do được sanh ra trên đất Mỹ, tất cả những yếu tố vừa kể thuộc phạm vi của luật di trú, nhập tịch, và quốc tịch rất phức tạp của nước Mỹ chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để chứng minh Obama không có đủ tiêu chuẩn công dân Mỹ để được bầu làm Tổng Thống Mỹ trong nhiệm kỳ bốn năm 2008-2012.

Luật di trú, nhập tịch, và quốc tịch của nước Mỹ rất tỉ mỉ chi tiết và phức tạp. Nhất là luật quốc tịch Mỹ lại càng rắc rối nhiều nữa.  Có hai yếu tố được áp dụng trong luật quốc tịch là tính chất địa điểm (jus solis ) và tính chất huyết thốngcha mẹ ( jus sanguinis).  Thí dụ người cha hoặc người mẹ là công dân Mỹ và người phối ngẩu là ngoại kiều đã sanh ra một người con trong nước Mỹ rồi sau đó đi ra nước ngoài sinh sống một thời gian khiến cho người con không có đủ thời gian luật định phải sống trong nước Mỹ thì sau đó người con này bị mất quốc tịch Mỹ.  

Một khía cạnh rắc rối khác của luật quốc tịch Mỹ đã khiến cho rất nhiều người hiểu lầm là trường hợp một người được sanh ra trên một chiếc tàu ngoại quốc đang bỏ neo đậu ở một bến cảng của Mỹ hoặc đang ở một vị trí trong vòng 12 hải lý thuộc lãnh hải của Mỹ thì đương nhiên là công dân Mỹ.  Ngược lại, một người được sanh ra trên một chiếc tàu của Mỹ nhưng ở bên ngoài 12 hải lý không thuộc lãnh hải của Mỹ thì không được đương nhiên là công dân Mỹ.

Những công dân Mỹ nhập tịch, hay gọi họ một cách khôi hài là công dân Mỹ Giấy thì họ chỉ có thể ứng cử vào các chức vụ dân cử từ Thống Đốc , Phó Thống Đốc , Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Thị Trưởng, Giám Sát Viên thành phố, v.v...  Họ không có đủ tiêu chuẩn công dân đương nhiên quốc tịch Mỹ, gồm có một trong hai yếu tố là địa điểm (jus solis) hoặc huyết thống cha mẹ (jus sanguinis) để được người dân Mỹ bầu họ vào các chức vụ Tổng Thống hoặc Phó Tổng Thống.

Trong thời gian còn đang vận động tranh cử tổng thống vào năm 2008, để trả lời những nghi ngờ về nguồn gốc gia tộc của mình TT Obama đã trình ra công chúng cử tri Mỹ tờ giấy Sơ Yếu Khai Sanh (Short Form Live Birth Certificate), nhưng phe Cộng Hoà Mỹ bảo thủ và những người Mỹ có quan điểm chính trị cực hữu vẫn chưa hài lòng vì tờ giấy khai sanh đơn giản và nguồn gốc gia tộc có vẻ bình dân tầm thường của TT Obama.  

Còn nhớ trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, một vài nhà văn nhà báo người Việt vì có cảm tình với TNS John McCain một cựu chiến hữu và một cựu tù binh chiến tranh VN là ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà Mỹ tranh cử đối thủ với Obama, họ đã viết ra những nhận xét sai lầm và xem thường TNS Obama là một người xuất thân giai cấp hạ lưu sinh sống lang thang theo ông bà ngoại rày đây mai đó, rất khác hẳn với TNS McCain là một người xuất thân giai cấp thượng lưu, là cựu sĩ quan phi công hải quân Mỹ, là người hùng của chiến tranh VN; hơn nữa, ông nội và cha của TNS McCain đều là Tướng Bốn Sao Đề Đốc Hải Quân Mỹ. 

Sự xem thường Obama có tính cách kỳ thị chủng tộc vì Obama là con lai da đen Kenya và thân thế gia đình người mẹ Mỹ da trắng hạ lưu.  Trong thời gian gần đây tính cách kỳ thị Obama còn tiến tới mức xấu xa cao hơn khi Donald Trump một trọc phú tư bản Mỹ trong ngành đầu tư phát triển địa ốc và khách sạn, ngành giải trí truyền hình hiện thực, và là một người có tham vọng, có quan điểm chính trị cực đoan, có ý định sẽ ứng cử tổng thống Mỹ vào năm 2012, đã tuyên bố mạnh mẽ nghi ngờ về quốc tịch của TT Obama khi nhấn mạnh yếu tố nơi sanh ở ngoại quốc chứ không phải ở tiểu bang Hawaì của Mỹ.  

Ông Trump còn đi xa hơn trong sự xem thường TT Obama là ông nghi ngờ Obama lúc còn học ở trung học và đại học, sinh viên Obama lúc đó có lẽ đang ở trong một hoàn cảnh sinh sống khó khăn thiếu thốn đủ thứ thì làm sao học hành cho tốt để có đủ điểm tiêu chuẩn được nhận vào học trường luật Đại Học Havard.  Ông Trump còn mạnh miệng kêu đòi cho được xem cái học bạ trung học và học bạ đại học của sinh viên Obama.

Nước Mỹ là một nước vĩ đại. Nước Mỹ không những vĩ đại về diện tích rộng lớn và tài nguyên thiên nhiên phong phú với một trữ lượng rất lớn mà còn tuyệt vời chỉ riêng một xã hội Mỹ cởi mở mới có.  Đó là mọi người sinh sống trên nước Mỹ, công dân Mỹ cũng như ngoại kiều thường trú nhân, qua sự trợ giúp của chính phủ và các hội đoàn, họ có thể phát triển cải thiện đời sống của chính mình, họ đều có cơ hội để tiến thân do học nghề hoặc do học văn hoá.  Xã hội Mỹ cởi mở cho nên mọi cánh cửa đều được mở ra cho mọi công dân Mỹ và ngoại kiều thường trú nhân tuỳ theo hoàn cảnh thích hợp của từng người mà tự mình tiến thân, leo lên những bậc thang giá trị của xã hội Mỹ. 

Bất cứ một cá nhân công dân Mỹ nào đó nếu tự có bản lãnh và đủ các điều kiện tiêu chuẩn quốc tịch thì cũng mở được cánh cửa quyền lực nhất của nước Mỹ ở toà Bạch Ốc.  

Bây giờ chúng ta có thể hiểu cái nguyên nhân sâu xa và có lẽ xấu xa đã khiến cho ông Trump mạnh mẽ thúc đẩy TT Obama phải xuất trình tờ giấy Khai Sanh Toàn Phần (Long Form Birth Certificate) có cả chữ ký tên của vị bác sĩ sản khoa đỡ đẻ cho Obama.  Còn sự kiện có đủ điểm tiêu chuẩn để được nhập học trường luật Đại Học Havard hay không thì còn chờ đợi TT Obama hạ hồi phân giải tới nữa.

Vào năm 2008 ở nước Mỹ khi TNS Obama thuộc tiểu bang Illinois, tốt nghiệp đại học luật Havard, là một luật sư dân quyền, giáo sư đại học dạy luật hiến pháp Mỹ tại trường đại học luật Chicago, một người Mỹ thiểu số lai da đen Kenya đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được dân Mỹ bầu làm tổng thống Mỹ, đã khiến cho những bậc cha mẹ thuộc các chủng tộc da màu thiểu số hiện cư trú trong nước Mỹ phát tâm nuôi dưỡng một hi vọng và giữ gìn một niềm tin rất lớn trong tương lai ở nơi con em của mình.  Và sau khi TT Obama cho xuất trình tờ giấy Khai Sanh Toàn Phần của ông, TT Obama còn khôi hài nói xỏ ông Trump là ông ta có thể còn cho điều tra xem sự kiện nước Mỹ đổ bộ lên mặt trăng là giả tạo hay không. 

Riêng mẹ tôi thì đã gọi điện thoại cho tôi để một lần nữa nhắc cho tôi nhớ về tờ giấy Khai Sanh Toàn Phần của tôi hiện giờ được giữ gìn ở đâu và nơi sanh thật sự của tôi.  Nhân ngày Mother’s Day – Ngày Hiền Mẫu, Chúa Nhật 07/05/2011 này, tôi xin phép mẹ tôi để được nói ra đôi điều về người mẹ hiền kính yêu của tôi.  Cha và Mẹ tôi hiện đang sống hưu trí êm đềm, yên tĩnh ở đảo Guam quê hương của cha tôi.  Giòng họ bên nội của tôi là người Nhật sống lâu đời trên đảo Guam.  Khi cha tôi gặp mẹ tôi lúc đó đang làm việc ở Đại Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn thì cha tôi cứ tưởng mẹ tôi là người Mỹ gốc Nhật vì trông dáng vóc mặt mũi của mẹ tôi rất giống một phụ nữ Nhật.  Còn mẹ tôi thì cứ ngỡ cha tôi là một đàn ông Việt Nam vì tuy vạm vỡ to con nhưng cha tôi có nét mặt của Người Chợ Lớn và nói tiếng Việt giọng Sài Gòn rất rõ ràng trôi chảy; hơn nữa, với tấm thẻ căn cước VNCH và cái giấy thông hành, sự vụ lệnh VNCH của cha tôi thì khó lòng mà nói cha tôi không phải người Việt. 

Cũng như cha tôi là người nói và viết được vài ngoại ngữ, mẹ tôi thông thạo tiếng Mỹ với giọng nói và cách dùng chữ Anh của người Nữu Ước-New Yorkers càng khiến cho cha tôi cứ tin chắc mẹ tôi là người Mỹ gốc Nhật ở New York. Trước khi trở về VN làm việc, mẹ tôi đã từng ở New York một thời gian khá lâu.  Đó là một điểm nổi bật lúc ban đầu khiến cho cha tôi có cảm t́ình ngay với mẹ tôi.  Lúc đó cha mẹ của tôi cũng có thể trò chuyện với nhau bằng tiếng Quảng Đông.  Cha mẹ của tôi rất hợp tính nết điềm đạm và lối sống giản dị lặng lẻ của nhau.  Khi cha tôi hỏi mẹ tôi nếu có điều kiện được sống ở nước Mỹ thì ý muốn sống ở tiểu bang nào thành phố nào.  Mẹ tôi trả lời là muốn sống trên một hòn đảo thuộc tiểu bang Hawaì chẳng hạn.  Kết quả là mùa hè năm 1973, cha mẹ tôi làm đám cưới ở đảo Guam và mẹ tôi lại ham học thêm tiếng Nhật.  Sau đám cưới cha mẹ tôi trở lại Sài Gòn tiếp tục công vụ cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nếu Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu đã không yêu cầu, hay nói cách khác là ra lệnh, tất cả người Mỹ phải tức khắc rời khỏi VN thì cha mẹ của tôi vẫn còn ở lại Sài Gòn.  Ngay cả Đại Sứ Mỹ Graham Martin cũng đã nhất định ở lại Sài Gòn, ở đây chúng ta hãy hình dung lại khung cảnh và tình hình ở thành phố Sài Gòn vào những ngày tháng 4 năm 1975.  Trong gần mười năm Sài Gòn mới bị những hoả tiển của Việt Cộng bắn vào lần đầu tiên, nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn và quân đội VNCH trong khu vực liên hệ đã không có một biện pháp gì chống trả lại.  Chủ quyền của người VNCH ở đâu mà cứ phải chờ đợi người Mỹ quyết định? 

Ngay sau những vụ tấn công bằng hoả tiển của Việt Công, Đại Sứ Mỹ Graham Martin đã đích thân xuất hiện trên đài truyền hình Sài Gòn để khẳng định rằng ông sẽ không đột nhiên biến mất vào lúc nửa đêm, ở đây xin nhắc lại lời nói của Đại Sứ Martin trên đài truyền hình Sài Gòn: 

“I, the American Ambassador, am not going to run away in the middle of the night. Any of you can come to my house and see for yourselves that I have not packed my bags. I give you my word. Tôi là Đại Sứ Mỹ, sẽ không bỏ chạy vào lúc nửa đêm.  Bất cứ ai (là người VN ở Sài Gòn) cũng có thể đến nhà của tôi và để chính mình nhìn tận mắt thấy rằng tôi đã không thu dọn hành lý của tôi. Tôi thề giữ lời hứa của tôi”  

Trong khi Đại Sứ Mỹ đã kiên quyết ở lại Sài Gòn thì có một số tướng tá VNCH đã dùng các phương tiện quân đội dành riêng cho mình để rời bỏ hàng ngũ chiến đấu tự vệ. Sự Thật có phải như thế không?  TT Thiệu đã liên tiếp tự giam mình trong phòng riêng ba bốn ngày không chịu tiếp xúc với ai.  Sau khi chịu tiếp chuyện với Đại Sứ Pháp, Trưởng Lưới CIA ở VN, và Đại Sứ Mỹ chỉ có một lần mà TT Thiệu cũng vẫn còn không đồng ý thực hiện cái giải pháp chính trị cho VN.  

Khi Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu yêu cầu tất cả người Mỹ phải tức khắc rời khỏi VN, thì mẹ tôi đã nói “họ đã làm hư bột hư đường hết rồi” còn gì mà ở lại nữa; thế là mẹ tôi phải mang theo một cái bụng nặng nề có chứa đựng một hài nhi là tôi đây bước lên chiếc máy bay trực thăng của TQLC Mỹ rồi tạm biệt Sài Gòn.  Vậy mà cha tôi còn nói với mẹ tôi “Never Say Goodbye To Saigon, My Love!- Đừng bao giờ nói chia tay với Sài Gòn, Cưng nhé!”  Bởi vì cha tôi muốn tôi được sanh ra ở Sài Gòn để đặt tên cho tôi là Nguyễn Sài-Gòn nên lúc mẹ tôi được nghỉ phép sản phụ một tháng thay vì đã đi về nhà cha tôi ở đảo Guam thì còn nấn ná ở lại Sài Gòn cho tới lúc bị đuổi mới chịu đi. 

Mặc dù cái gì đã qua thì hãy cho qua luôn, nhưng lâu lâu có lúc mẹ tôi còn nhắc lại để cùng ngậm ngùi kỷ niệm với cha tôi về những ngày tháng rất nguy hiểm ở Sài Gòn.  Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hoả tiển hay một quả đạn pháo binh của Việt Cộng bắn trúng Đại Sứ Quán Mỹ.  Người Mỹ lúc đó có còn giữ cái lễ phép ngoại giao mắc dịch đã khiến người Mỹ lúng túng là cái chủ quyền của người Việt Nam phải được tôn trọng đã được ghi rõ trong Hiệp Định Hoà Bình Ba Lê 1973, hay lính TQLC Mỹ lúc đó phải phản ứng rất mạnh để tự vệ.  

Hiệp Định Hoà Bình Ba Lê 1973 với một biện pháp chính trị để giải quyết tranh chấp Việt Nam sẽ được dùng làm mô hình giải quyết tranh chấp ở bán đảo Triều Tiên hiện đang ở trong tình trạng hưu chiến tạm thời.  Cho tới bây giờ bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, phải vậy không?  Ở đây tôi thành thật xin lỗi mẹ tôi vì trong ngày Mother’s Day-Ngày Của Mẹ mà tôi lại vừa nói lung tung lạc đề rồi. 

Nhân ngày Mother’s Day, NGÀY CỦA MẸ con phải hỏi GIẤY KHAI SANH CON Ở ĐÂU?  Phong Trào Đòi Xem Xét Quốc Tịch Birther Movement ở nước Mỹ trong thời gian gần đây đã làm dấy lên dư luận nói TT Obama xài Giấy Khai Sanh giả, TT Obama được sanh ra ở ngoại quốc, TT Obama không phải là đương nhiên công dân Mỹ nên không thể là tổng thống Mỹ hợp hiến, v.v...

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011 vừa qua TT Obama đã cho xuất trình tờ giấy Khai Sanh Toàn Phần, Long Form Birth Certificate của ông với đầy đủ chi tiết nơi sanh và có cả chữ ký tên của vị bác sĩ đỡ đẻ cho Obama, nhằm dập tắt nghi vấn về quốc tịch của ông Obama.  Thế nhưng Phong Trào Đòi Xem Xét Quốc Tịch ở nước Mỹ vẫn cứ lớn mạnh thêm khi Thượng Nghị Sĩ David Vitter thuộc đảng Cộng Hoà của tiểu bang Louisiana đệ trình dự luật nhằm thay đổi các qui định về di trú và quyền đương nhiên là công dân Mỹ do sanh ra trong lãnh thổ của Mỹ. 

Những sự kiện như vậy đã thúc đẩy ông Thống Đốc Tiểu Bang Louisiana là Bobby Jindal xuất trình tờ giấy khai sanh của ông vào hôm Thứ Sáu, 6/5/2011.  Thống Đốc Bobby Jindal rất có triễn vọng được đảng Cộng Hoà Mỹ đưa ra tranh cử tổng thống vào năm 2012, và như vậy cái vấn đề quốc tịch, nơi sanh và nguồn gốc cha mẹ của ông Jindal sẽ được xem xét rất thận trọng.  Ông Jindal đã tới nước Mỹ trong tháng 2 năm 1971 lúc đó ông còn là một cái thai nhi khoảng ba tháng trong bụng của mẹ ông, cho tới ngày 10 tháng 6 năm 1971 ông được sanh ra ở bệnh viện thành phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana.  Cha mẹ của ông Jindal lúc đó còn là thường trú nhân có thẻ xanh ở nước Mỹ.

Hôm nay ngày 8 tháng 5 năm 2011là ngày Mother’s Day, Ngày Của Mẹ, Ngày Hiền Mẫu VN, tôi xin nhắc những ngườì mẹ Việt Nam đã sanh con ở lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam hoặc ở trong trại tị nạn Camp Pendleton ở San Diego thuộc tiểu bang California những đứa trẻ Việt Nam này đương nhiên đã là công dân Mỹ ngay từ lúc mới sanh.  Điều cần nhất là các bà mẹ VN phải có tờ giấy khai sanh, cả hai mẫu ngắn cũng như mẫu dài- có hình đính kèm theo đây.  

Và hãy vui mừng lên trong ngày Mother’s Day, Ngày Của Mẹ, Ngày Hiền Mẫu VN bởi vì chúng ta hiện đang được sống trong một nước Mỹ vĩ đại, một nước đã đùm bọc nuôi dưỡng chúng ta trong những ngày tháng khốn khổ vừa qua.  Nước Mỹ chưa bao giờ bỏ rơi VNCH, có phải như vậy không? 

Nước Mỹ đã và đang mở rộng những cánh cửa cho những đứa con được sanh ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở đảo Guam, đảo Midway, Hawaii, hoặc ở trong trại tị nạn Camp Pendleton, San Diego.  Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã là một ngày đau buồn không dễ gì quên, nhưng nó cũng là một ngày đã có những hạt nhân rất vinh quang trong tương lai của người Việt tị nạn Cộng Sản.  

Xin cảm ơn ông bà Đại Sứ Mỹ Graham Martin hảo tâm đã có một người con trai hi sinh trong chiến tranh VN để cho VNCH được tự do và ông đã có lòng tốt giúp di tản rất nhiều người Việt chạy trốn Việt Cộng, để từ đó mới có những người con Việt Nam được sanh ra trên lãnh thổ của Mỹ và đương nhiên là công dân Mỹ.  Ngày quá đau thương tại VN lại trở thành ngày đầy phước đức trên nước Mỹ. Chúng con, những người con được sanh ra trong lãnh thổ của Mỹ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những ngày trở về sau, vô cùng cảm ơn những người mẹ hiền Việt Nam muôn vạn kính yêu./.


Dr. Tristan Nguyễn – San Francisco, 8/5/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét