Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

DUTERTE LÀ DONALD TRUMP CỦA PHILIPPINES

DUTERTE LÀ DONALD TRUMP CỦA PHILIPPINES

Bức hí hoạ của Nhật Báo Cebu Daily News - Inquiry Net the Philippines
 Dr. Tristan Nguyễn
Rodrigo Duterte sinh năm 1945 trong một dòng họ nội-ngoại đều có thế lực chính trị ở cả hai tỉnh Leyte và Cebu trên Đảo Visayas miền Trung, nước Philippines vào thập niên 1940. Gia đình Duterte có đạo Công Giáo.  Rodrigo Duterte là con trai của ông Vicente Duterte làm luật sư tư nhân và bà Soledad Duterte làm giáo viên công lập trong thời kỳ 1965-1986 của tổng thống Ferdinand Marcos. Ông Ngoại của Duterte là người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc di cư tới Phi.  Vào năm 1950 gia đình Dutertes dời chỗ ở tới tỉnh Davao trên Đảo Mindanao miền Nam. Ở đây Vicente Duterte đã tham gia việc chính trị, và sau cùng trở thành tỉnh trưởng Tỉnh Davao trong thời gian 1959-1968, lúc khu vực Davao chưa tách ra thành ba tỉnh Davao Bắc, Trung, Nam khác nhau.

Như vậy, Rodrigo Duterte đã lớn lên trong một gia đình Công Giáo danh giá, quyền thế. Ở bậc đại học, Duterte đã học ngành chính trị học. Các bạn học của Duterte kể lại ông ta có một cá tính lập dị, hay tỏ ra mình có tinh thần yêu nước bằng cách không nói tiếng Anh với các bạn học ở trong lớp; Duterte chỉ nói tiếng Phi Tagalog hoặc thổ ngữ của các địa phương. Vào những năm đó giáo sư chủ nhiệm ngành chính trị học là ông Jose Maria Sison, một trong những người thành lập Đảng Cộng Sản Phi – CPP (Communist Party of the Philippines) - theo chủ thuyết Mao Trạch Đông. Hiện nay ông Sison, 77 tuổi; từ năm 1986 ông Sison phải ra nước ngoài sinh sống, và đang ở tại Thụy Điển. Ông Sison cũng cho biết thêm là ông ta cư xử với Duterte như một người bạn; Sison lớn hơn Duterte 6 tuổi.  

Sau khi xong đại học, Duterte đã tốt nghiệp luật sư và tham gia việc chính trị như cha của ông ta.  Một cách công khai Rodrigo Duterte không phải là đảng viên Cộng Sản Phi – CPP, cũng không phải một thành viên Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia - NDF (National Democratic Front), một tổ chức chính trị hoạt động hợp pháp của CPP Đảng Cộng Sản Phi; tuy nhiên, Duterte được nhiều người biết ông ta vào những năm 1980-1985 vì ông ta rất tích cực trong việc sắp xếp những cuộc gặp mặt giữa những người chỉ huy đơn vị cộng sản và các ký giả ngoại quốc. Vào thời gian này Đảng Cộng Sản Phi phát triển hoạt động mạnh. Như vậy, Đảng Cộng Sản Phi - CPP có hai cánh tay đắc lực, cánh tay phải là tổ chức vũ trang Tân Quân Đội Nhân Dân –NPA (New People’s Army), và cánh tay trái là tổ chức chính trị Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia – NDF (National Democratic Front)

Vào đầu năm 1988, Rodrigo Duterte đã thắng cử chức thị trưởng thành phố Davao. Davao là một thành phố lớn thứ ba của nước Phi trên Đảo Mindanao ở miền Nam. Dưới quyền của Thị Trưởng Duterte là một “uỷ ban đặc nhiệm an ninh Alsa Masa” gồm có các “uỷ viên giết người không gớm tay”; chính họ thực sự là những đảng viên cộng sản có vũ trang NPA (New People’s Army).  Họ đúng là một bộ phận vũ trang của Đảng Cộng Sản Phi – CPP, nhưng họ đã rất khôn khéo nguỵ trang bằng một hình thức khác hợp pháp dưới quyền điều khiển của Duterte để giữ an ninh, trật tự, làm sạch tệ nạn xã hội ở trong Tỉnh Davao. Lúc đó có nhiều người đã nghi ngờ Thị Trưởng Duterte yễm trợ và cấp ngân sách cho uỷ ban đặc nhiệm an ninh Alsa Masa để thanh toán các phe nhóm đối nghịch.

Chính là Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia - NDF xác định rằng Duterte đã thực sự yễm trợ cho uỷ ban trung ương Đảng Cộng Sản Phi – CPP để thanh trừng những phần tử cách mạng cộng sản thành thị, vì những người này đã có ý định thoát ly khỏi chủ thuyết Mao Trạch Đông. Kết quả của các đợt chiến dịch làm sạch xã hội, Duterte thực sự đã giết chết vài trăm người Phi ở trong quản hạt của ông ta.  Kể từ thời kỳ làm thị trưởng Duterte đã có thành tích thẳng tay trừng trị những kẻ mà Duterte cho rằng không có giá trị, không xứng đáng để sống. Và như thế Duterte đã nổi danh là “Người Trừng Phạt – The Punisher” ở miền Nam Philippines. Tuy như vậy, cũng có nhiều người Phi đã đồng tình ủng hộ Duterte, bởi vì Duterte có thể vãn hồi an ninh trật tự trong khu vực trách nhiệm quản lý của ông ta. Nhưng cái mô hình cai trị kiểu mẫu Rodrigo Duterte đã không được các địa phương khác trong nước Phi làm theo.

Trên một bình diện khác, một cách khách quan nhận xét rằng Thị Trưởng Duterte chưa bao giờ tỏ ra tôn trọng Mỹ Quốc và đạo Công Giáo, mặc dù chính ông ta là một tín đồ Công Giáo và đa số người dân Phi có đạo Công Giáo. Quả thật Duterte có một ác cảm đặc biệt dành cho Đế Quốc Mỹ, và ông ta càng tỏ ra chống Mỹ hơn nữa khi có xảy ra một vụ bom nổ rất bí ẩn ở trong một khách sạn tại thành phố Davao vào tháng Năm 2002, mà nghi can là một người Mỹ lại được Toà Đại Sứ Mỹ nhanh chóng giúp nghi can trốn thoát.

Một thị trưởng Duterte đã có quá khứ “nhuộm máu thành phố Davao” như thế, bây giờ là tổng thống Duterte của nước Phi.  Sau khi thắng cử tổng thống, Rodrigo Duterte, đảng viên Đảng Dân Chủ Phi - Quyền Lực Nhân Dân – PDP-Laban (Philippine Democratic Party – People’s Power - Laban) cũng đã bắt đầu một chiến dịch “Máu Nhuộm Ma Tuý”. Trong một bài diễn văn TT Duterte đã nêu câu hỏi “những kẻ sử dụng ma tuý có phải là con người không?”, và ông ta có ẩn ý thúc giục các nhân viên an ninh và cảnh sát cứ tự nhiên tự giải quyết cái tệ nạn ma tuý của người dân Phi. Như vậy chế độ Rodrigo Duterte kể từ ngày 30/6/2016 đã bắt đầu bao phủ nước Cộng Hoà Philippines bằng một sự mờ ám, chết chóc tang thương.  Kể từ ngày đầu chiến dịch chống ma tuý, đã có hơn 4700 người bị an ninh, cảnh sát giết chết.

Sự kiện trong một thời gian ngắn chế độ Duterte giết quá nhiều người cho là nghi can mua bán và sử dụng ma tuý, mà không cần được xét xử, đã bị Liên Hiệp Quốc và các chính phủ Tây Phương cũng như Mỹ lên tiếng phản đối, chỉ trích gay gắt. TT Duterte cũng đã phản ứng lại rất mạnh mẽ và bằng những lời lẽ thô tục, như gọi TT Obama là “đồ chó đẻ” không có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của nước Phi . Duterte cũng đã gọi Giáo Hoàng Francis là “con của gái điếm” vì khi giáo hoàng tới thăm nước Phi gây ra sự ùn tắt giao thông trên đoạn đường từ phi trường vào thành phố Manila, ngẫu nhiên lại cùng lúc với Duterte đang đi ra phi trường khiến cho Duterte bị kẹt xe lâu năm tiếng đồng hồ nên Duterte đã nổi khùng, phát cơn nói thô tục “Giáo Hoàng à, đồ con của gái điếm, về nhà đi. Đừng thăm viếng nữa nhé. - Pope, son of a whore, go home. Don't visit anymore'." Đó là cá tính nói năng thô lổ của Duterte cũng giống như Donald Trump ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016; Trump cũng đã xung khắc với giáo hoàng về việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ cho nên Duterte được gắn cho cái hổn danh là Donald Trump của nước Philippines.
Với quyền hạn tổng thống, Duterte còn đe doạ rút nước Phi ra khỏi tổ chức LHQ. Cũng tương tự như Trump đã đe dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi tổ chức NATO. Tuy nhiên, chế độ Duterte lại được Đảng Cộng Sản Phi ca ngợi như sau “tình hình bây giờ hiện đang hình thành một liên minh yêu nước giữa Chế Độ Duterte Chống Mỹ và Cách Mạng và các Lực Lượng Yêu Nước - the situation now exists for the forging of a patriotic alliance between Duterte’s Anti-US Regime and the Revolutionary and Patriotic Forces”.

Hãy sơ lược lịch sử cận đại, nước Phi và thế giới đã chứng kiến vào năm 1986 có hàng triệu người dân Phi trong cả nước xuống đường biểu tình lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Tiếp theo Cuộc Cách Mạng Quyền Lực Nhân Dân Phi (Filipino People Power Revolution) là thời kỳ nước Phi được tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bầu cử. Trên lãnh vực phát triển kinh tế nước Phi với dân số hơn 100 triệu người đã là một nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất và tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó nữa.

Sau ngày chế độ độc tài Marcos bị lật đổ là những nhiệm kỳ tổng thống của Corazon Aquino, Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo, Benigno Aquino III, và bây giờ là Rodrigo Duterte. Người ta vẫn không quên là trên thực tế ở nước Phi đã và đang có cuộc xung đột vũ trang du kích chiến tranh nhân dân theo kiểu Mao-ít từ ngày Đảng Cộng Sản Phi thành lập vào năm 1968 tới nay. Những cuộc chạm súng giữa phiến quân du kích cộng sản và quân đội chính phủ Phi đã và đang kéo dài hơn 68 năm. Những người Cộng Sản Phi-Mao-ít vẫn tiếp tục thực hiện bạo lực cách mạng với mục đích cuối cùng là lật đổ chính phủ Cộng Hoà Philippines. Các lực lượng du kích Phi Cộng cũng thường chạm súng với các lực lượng chính phủ Cộng Hoà Phi ở hai đảo lớn Mindanao miền Nam và Visayas miền Trung.  Chiến tranh nhân dân vũ trang du kích với một nước có quá nhiều đảo như nước Phi khiến cho việc bình định nông thôn và dẹp hết phiến quân cộng sản trở nên rất khó khăn; hơn nữa Đảng Cộng Sản Phi-Mao-ít đã và đang được hai Đảng Tàu Cộng và Hàn Cộng yễm trợ mọi thứ.

Tình hình thực tế đã đang như thế, thì tại sao người dân Phi đã bầu Rodrigo Duterte làm tổng thống nhiệm kỳ 2016-2022 của họ? Người dân Phi đã nhẹ dạ lầm tưởng tin rằng ứng cử viên tổng thống Rodrigo Duterte là một anh hùng dân tộc Phi tích cực chống Tàu Cộng bành trướng ở vùng Biển Tây Philippines. Lúc vận động tranh cử Duterte đã tuyên bố trong một cuộc họp báo “Tôi sẽ yêu cầu Hải Quân Phi đem tôi đi ra một điểm gần nhất trong Biển Hoa Nam, một chỗ thuận tiện cho họ và tôi sẽ cởi một chiếc xe phản lực trượt nước. Tôi sẽ mang theo một cây cờ và khi tôi tới Trường Sa, tôi sẽ trương lên lá cờ Philippines. Tôi sẽ bảo họ (bọn Tàu Cộng), sutukan o barilan? Nếu bọn mày tiếp tục ‘chơi – f******’ với chúng tao, bọn mày sẽ thấy tao đứng ở đó tại Trường Sa và bọn mày phải giết tao đi.”- (I will ask the Navy to bring me to the nearest point in South China Sea that is tolerable to them and I will ride a jet ski‎. I will carry a flag and when I reach Spratlys, I will erect the Filipino flag. I wil tell them (Chinese), Suntukan o barilan?.  If you continue f****** with us, you will see me standing there in Spratlys and you have to kill me.) Chính vì lời lẽ quyết liệt yêu nước của Duterte cứng rắn, thô tục như vậy, Duterte xứng đáng được gọi là Donald Trump của Philippines; lẽ tất nhiên Duterte cũng đã mê hoặc được lòng người dân Phi, và đã thúc giục họ bỏ phiếu bầu cho Duterte làm tổng thống Phi trong nhiệm kỳ sáu năm, 2016-2022.

Tuy nhiên, thực tế trái ngược lại những gì Duterte đã nói để lôi cuốn người dân Phi bầu cho ông ta làm tổng thống, bởi vì chính Duterte xác nhận rằng chỉ nói phô trương cường điệu (just a hyperbole) để bày tỏ lập trường của Duterte là không nhân nhượng Tàu Cộng một điều gì. Thế là Duterte sẽ không bao giờ cởi chiếc xe phản lực trượt nước một mình chạy tới Trường Sa để cắm một lá quốc kỳ Philippines chứng tỏ chủ quyền của nước Phi trong một vùng biển và đảo đang tranh chấp với Tàu Cộng.  Duterte còn cho biết thêm rằng ông ta không biết bơi, nếu tai nạn xảy ra làm chiếc xe phản lực trượt nước lật úp, thì người dân Phi phải mất tổng thống Duterte của họ (!)  Quả thật Duterte đã khéo hài hước, nhưng gian xảo, quỷ quyệt trong một trò đùa gạt người – Duterte mị dân.  Duterte không phải dân túy!

Do cái thói quen chửi thề, văng tục, nói trước, chối sau của Duterte cũng đã làm cho nhiều lãnh đạo của nước khác không thích ông ta, và uy tín của tổng thống Phi trong quan hệ quốc tế bị giảm xuống. Hơn nữa, trong nước Phi đã đang nổi lên dư luận của người dân Phi là không tán thành chính sách ngoại giao của Duterte đổi hướng về Tàu Cộng, bởi vì nước Phi là một quốc gia đồng minh chiến lược lâu năm của Mỹ, và kể từ ngày nước Phi độc lập người dân Phi luôn luôn thần tượng nước Mỹ.
Ở đây cũng nên nhắc sơ lược những sự kiện lịch sử có liên quan tới Duterte.  Vào năm 1988 khi Duterte là thị trưởng Davao, Duterte đã từng tự hào mình là một người tiến bộ xã hội chủ nghĩa và có mối liên hệ với Đảng Cộng Sản Phi (CPP). Nhưng nhiều người đã không hiểu rõ tại sao Duterte lúc đó lại giết chết rất nhiều đảng viên cộng sản Phi.  Đến khi Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia –NDF- (National Democratic Front), một tổ chức chính trị hoạt động hợp pháp của Đảng Cộng Sản Phi (CPP) tiết lộ là những người bị giết là những đảng viên cộng sản có khuynh hướng rời bỏ tư tưởng Mao.  Cho nên Đảng Cộng Sản Phi (CPP) đã mượn tay thị trưởng Duterte để thanh trừng những đảng viên ly khai Mao-ít. Thị trưởng Duterte đã gắn cho họ tội danh là những “kẻ trộm cướp”, thành phần du đảng cần phải tiêu diệt để ổn định xã hội tỉnh Davao.

Như vậy, Luật Pháp và Trật Tự (Law and Order) đã luôn luôn là ưu tiên của Duterte, nhưng phải được hiểu thêm là Luật Pháp và Trật Tự của Duterte mới đúng nghĩa chính xác được Duterte áp dụng.  Tương tự như vậy, Luật Pháp và Trật Tự cũng là một trong những đề tài chính trong các bài diễn văn tranh cử tổng thống của Trump. Lập luận của Trump là các lực lượng cảnh sát có quyền “Chặn người lại và Dùng tay rà xét khắp thân thể - Stop and Frisk”. Trump cho rằng việc kiểm tra này của cảnh sát không vi phạm nhân quyền hay dân quyền. Những trường hợp cảnh sát bắn chết người chỉ là tự vệ khi người bị tình nghi có vũ khí hoặc có dấu hiệu gây nguy hiểm cho cảnh sát. Trump chủ trương một quốc gia cảnh sát để những sinh hoạt xã hội Mỹ được ổn định.

Còn riêng Duterte đã có một tiểu đội sát thủ (Davao Death Squad (DDS). Tiểu Đội Sát Thủ Davao này được dùng để thanh trừng những nhóm đối lập và những kẻ trộm cướp, xì ke ma tuý, tệ nạn xã hội nói chung.  Duterte đã và đang nổi tiếng hung bạo nhưng được số đông người dân Phi ủng hộ vì họ nhận thấy ở tỉnh Davao đã có an ninh trật tự trong thời gian nhiều năm qua.  Hơn nữa, trong mùa hè 2016 này sau khi Duterte nhậm chức tổng thống từ tháng Sáu cho tới nay an ninh trật tự xã hội của nước Phi tương đối khá ổn định.  Mặc dù Duterte đã giết chết 4700 người trong cuộc chiến chống ma tuý ở nước Phi hiện nay.

Ngược lại, cũng có một điều nổi bật là Duterte đã tuyên bố ngưng bắn với  Đảng Phi Cộng (Communist Party of the Philippines) - CPP và Tân Quân Đội Nhân Dân Phi, còn gọi là Phiến Quân Cộng Sản Phi (New People’s Army) - NPA. Duterte đã ra lệnh cho Quân Lực Cộng Hoà Phi (Armed Forces of the Philippines) và Cảnh Sát Quốc Gia Phi (Philippines National Polce) phải nghiêm chỉnh thi hành lệnh ngưng bắn. Cũng rất rõ ràng là ngưng bắn với phiến quân cộng sản còn có nghĩa là ổn định xã hội, bởi vì phiến quân sẽ không tiếp tục khủng bố, không bắt cóc người, không ám sát các viên chức chính phủ, không phá hoại các khu chợ, cầu đường giao thông.  Trong thời gian 68 năm đây là lần đầu tiên Đảng Phi Cộng và Tân Quân Đội Nhân Dân đồng ý ngưng bắn với chính phủ Duerte của nước Cộng Hoà Philippines. Cuộc ngưng bắn cũng có ẩn ý tạo uy tín và thế lực cho Duterte đối với Quốc Hội và người dân Phi.

Thêm vào đó, Duterte đã mời các đại diện Phi Cộng trong Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia - NDF tham gia nội các chính phủ Duterte.  NDF là một tổ chức trá hình để hoạt động chính trị hợp pháp của Đảng Phi Cộng (CPP). Những phần tử cộng sản đã được bổ nhiệm cụ thể như sau:  Rafael Mariano làm Tổng Trưởng Cải Cách Nông Nghiệp; Judy Taguiwalo làm Tổng Trưởng An Sinh Xã Hội; Liza Maza làm Uỷ Viên Trưởng của Uỷ Ban Chống Nghèo Toàn Quốc (National Anti-Poverty Commission). Mặt Trận Dân Chủ Quốc Gia –NDF còn thúc đẩy Duterte phải bổ nhiệm Leoncio Evasco làm Tổng Trưởng Nội Vụ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Duterte vừa qua, Evasco đã từng làm Quản Lý Trưởng chiến dịch tranh cử cho Duterte.
Chỉ trong thời gian mới đây những người Phi quốc gia lãnh đạo kinh tế tài chính nước Phi đã đề nghị TT Duterte nên loại bỏ những “phần tử cộng sản” trong nội các chính phủ Cộng Hoà Phi Luật Tân.  Nhưng Duterte lại muốn thành lập một chính phủ cách mạng theo cơ cấu liên bang.  Căn cứ theo lập luận của Duterte đã nói là “Tôi phải sửa chữa cái chính phủ này. Tôi sẽ không làm công việc đó nếu quí vị muốn đặt tôi vào chỗ đó (cương vị tổng thống) với lời tuyên thệ trang trọng để dính chặt vào những luật lệ hiện hành. Tôi muốn thoát ra với một hệ thống hành chính mới, một chính phủ mới - I have to fix this government. I won’t do it if you want to place me there with the solemn pledge to stick to the rules.  I want to get out with a new bureaucracy, a new government.” Duterte xác định rằng chỉ có cơ cấu chính phủ liên bang mới có thể giải quyết triệt để tệ nạn tham nhũng, tội ác xã hội và vấn nạn “Đế Quốc Manila”.

Cơ cấu chính phủ liên bang như Duterte muốn thành lập ở nước Phi là quyền lực lãnh đạo quốc gia được chia ra giữa chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương; như thế thì sẽ làm tăng quyền tự trị của các đơn vị quản trị hành chính của chính quyền địa phương. Một số lãnh vực như quốc phòng, tiền tệ và ngoại giao sẽ do chính quyền trung ương trách nhiệm. Các lãnh vực khác sẽ do các chính quyền địa phương trách nhiệm. Duterte và một số người ủng hộ ông ta chủ trương chống lại cái guồng máy chính trị theo kiểu tổng thống chế hiện nay của nước Phi, nó tập trung quyền hành tổng thống và ban lệnh từ trên xuống do cái mà họ gọi là “Đế Quốc Manila” tham nhũng, thối nát.  Cái “Đế Quốc Manila” này cần phải dẹp bỏ. Khi ngưng bắn với Đảng Cộng Sản Phi và Tân Quân Đội Nhân Dân CS, nhiều người dân Phi đã có thắc mắc với Duterte là ngưng bắn tại chỗ có những vùng cộng sản kiểm soát; như vậy, Duterte có đồng ý công nhận “lãnh thổ của Đảng Cộng Sản Phi” hay không? Đã có nhiều Dân Biểu trong Quốc Hội Cộng Hoà Philippines phản đối Duterte về chủ trương nhượng bộ cộng sản của Duterte.  Họ lo sợ và nghi ngờ Duterte cấu kết với Đảng Phi Cộng có ý đồ lợi dụng tổ chức cơ cấu liên bang để giành quyền tự trị cho các địa phương, cụ thể như Đảo Mindanao ở miền Nam hoặc Đảo Visayas ở miền Trung là hai đảo lớn có nhiều hoạt động của phiến quân cộng sản Phi; một trong hai đảo lớn này sẽ tách ra khỏi liên bang để trở thành lãnh thổ của phiến quân cộng sản Phi.

Tuy ở hai nước khác nhau cách xa bằng chiều ngang của Thái Bình Dương rộng lớn và hai người, Duterte và Trump, là hai chủng tộc khác nhau rõ rệt, nhưng Donald Trump của Mỹ và Donald Trump của Phi lại có những tương đồng khá thú vị.  Duterte đã có một luận điệu giống hệt như của Trump về ý dịnh muốn phá bỏ guồng máy chính trị cũ làm lại cái mới. Nhưng nước Mỹ đã có cơ cấu chính phủ liên bang hơn hai trăm năm rồi, chỉ có một chuyện theo Trump xác định là chính quyền liên bang Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn thối nát như bị ứ đọng sình lầy phải tháo rút cho sạch –“Drain the Swamp in D.C”.  Trump cũng còn tuyên bố rằng “Không có ai hiểu cái hệ thống nhiều hơn tôi, đó chính là tại sao chỉ một mình tôi có thể sửa chữa nó. – Nobody knows the system better than me, which is why I alone can fix it.” Và cả hai, Donald Trump của Mỹ cũng như Donald Trump của Phi đều muốn làm lung lay lắc lư các giới chức lãnh đạo quân sự và cảnh sát an ninh quốc gia Mỹ và Phi.  Trong khi Duterte sẽ yêu cầu tất cả tướng lãnh Phi phải từ chức, thì Trump sẽ cho các tướng lãnh Mỹ nghỉ việc trong vòng 30 ngày đầu tiên của Trump nhậm chức tổng thống!  Có lẽ cả hai, Trump và Duterte, không hiểu hết mối quan hệ giữa tổng thống và quân đội.

Lại có thêm một chuyện rất kỳ quặc nữa tương đồng giữa Duterte và Trump.  Đó là cả hai đều phản đối Hiệp Ước Paris về Khí Hậu Thay Đổi (Paris Agreement on Climate Change) được soạn thảo bởi 195 quốc gia trong số đó có cả hai nước Mỹ và Phi cùng tham gia trong tháng 12 năm 2015 tại Paris, Pháp.  Duterte thì nói Hiệp Ước Paris về Khí Hậu Thay Đổi là “ngu xuẩn và kỳ cục – stupid and absurd”; còn Trump thì nói nó là “trò lừa gạt chơi xỏ của Trung Quốc” (Hoax of China).  Trump và Duterte cùng nói giống nhau là cả hai chính phủ Donald Trump và chính phủ Rodrigo Duterte đều sẽ không tôn trọng và thi hành hiệp ước khí hậu này.    

Nói tới đây cũng nên nhắc lại một lần nữa, với tư cách là một tổng thống vừa mới thắng cử ở một nước đồng minh chiến lược lâu năm nhất của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á, một nước đã và đang ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bành trướng bá quyền của Tàu Cộng ngay từ thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam, Duterte cũng còn có một mối liên hệ với Cộng Sản Phi Mao-ít từ lúc còn là sinh viên chính trị học đã từng được GS Sison hướng dẫn học tập, GS Sison là người thành lập Đảng Cộng Sản Phi; như vậy, Đảng Tàu Cộng đã chắc chắn phải nồng nhiệt thân thiện tiếp đón TT Duterte của Phi như một gia đình tiếp đón “chàng lãng tử trở về mái nhà xưa”.  Trong chuyến đi Bắc Kinh, Duterte đã gặp Đảng Trưởng Tàu Cộng-Xi, và được giới lãnh đạo chính trị Tàu Cộng ca ngợi rằng “Duterte sẽ giúp tăng cường sự tín nhiệm chính trị song phương Tàu-Phi và củng cố thêm sự hợp tác thực dụng”. 

Tính cách vội vã đi Bắc Kinh của Duterte đã khiến cho kết quả thương lượng đã đang có tiến triển tốt có lợi cho Manila do cựu tổng thống Fidel Ramos làm việc với các giới chức hữu trách của Bắc Kinh vô tình bị huỷ bỏ và Ramos phải từ chức đặc sứ của Phi.  Ramos đã được uỷ nhiệm làm đặc sứ của Cộng Hoà Philippines để thương lượng với Tàu Cộng về vấn đề Bãi Cạn Scarborough Shoal sau khi Toà Án Quốc Tế có phán quyết nước Phi hoàn toàn thắng kiện và dư luận trên thế giới ủng hộ lập trường của nước Phi.  Fidel Ramos là cựu tổng thống Phi trong những năm 1992-1998 đã chỉ trích Duterte như sau “Chúng tôi nhận thấy đoàn thương thuyết Philippines của chúng tôi bị lép vế trong 100 ngày đầu của chế độ Duterte – và đang thất thế thảm hại.  Đây là một sự thất vọng to lớn và nhiều người chúng tôi bị xem thường - We find our team Philippines losing in the first 100 days of Duterte's administration — and losing badly. This is a huge disappointment and let-down to many of us."   

Căn cứ theo sự đánh giá của cựu tổng thống Ramos, thì trong 100 ngày đầu của chế độ Duterte đã thất bại không đạt được những kết quả nào cụ thể trong các vấn đề giảm nghèo đói cho người dân Phi, làm cho cuộc sống và an ninh trật tự xã hội tốt hơn những năm trước; ngoài cái kết quả khủng khiếp là 4700 người bị giết chết trong những đợt càn quét người liên quan tới ma tuý và để lại sự lo lắng, hoảng sợ cho các gia đình thân nhân của người chết ở nhiều nơi trong nước Phi.

Cựu tổng thống Fidel Ramos cũng đã từng là một lãnh đạo Quân Đội Cộng Hoà Philippines.  Ramos đã nghiêm khắc chỉ trích Duterte về chủ trương đối nghịch lại sự hợp tác quân sự của Mỹ-Phi.  Với 100 ngày đầu của chế độ Duterte, cựu tổng thống Ramos đã nêu câu hỏi “Chúng ta đang liệng bỏ một đối tác quân sự mấy chục năm, với sự thông thạo chiến thuật, một hệ thống vũ khí cập nhật khả dụng, việc tiếp vận quân sự có kế hoạch, và tình nghĩa huynh đệ chi binh Mỹ-Phi chỉ như thế đó? - Are we throwing away decades of military partnership, tactical proficiency, compatible weaponry, predictable logistics, and soldier-to-soldier camaraderie just like that?" Cùng lúc với sự chỉ trích gay gắt của cựu tổng thống Fidel Ramos là trong Quốc Hội Cộng Hoà Philippines đã nổi lên sự phản đối các chính sách của chế độ Duterte. Quả thật Duterte làm tổng thống Phi chỉ trong vòng hai tháng đầu đã gây ra sự bất ổn chính trị cho nước Phi.

Tóm tắt để kết luận, Rodrigo Duterte đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước Cộng Hoà Philippines vào tháng Sáu năm 2016, nhưng hiện giờ chính miệng Duterte nói rằng ông ta có lẽ sẽ không tồn tại trong nhiệm kỳ sáu năm của ông ta. Hơn nữa cái gánh nặng công việc hàng ngày của tổng thống và tính cách cô độc an toàn của yếu nhân quốc gia đã bắt đầu khiến cho Duterte mệt mõi, chán nãn, và buồn phiền. Duterte đã tâm sự “Nó trở thành một cuộc sống rất cô đơn. Tôi sẽ sống qua được sáu năm không? Tôi tiên đoán rằng, có lẽ không. - It gets to be a very lonely life.Will I survive the six years? I'd make a prediction, maybe not." Duterte cũng không giải thích thêm là ông ta định nói cái gì, nhưng rõ ràng là ông ta cho biết có nhiều người muốn ông ta bị thay thế. Rodrigo Duterte, sinh ngày 28/3/1945; Donald Trump, sinh ngày 14/6/1946. Cả hai cùng lứa tuổi 70, Donald Trump của Mỹ và Donald Trump của Phi đều có những điểm rất tương đồng. Duterte đã rất mệt mõi, chán nãn, và buồn phiền trong 100 ngày đầu của chính phủ Duterte, nước Cộng Hoà Philippines. Còn Trump thì sao? Cả hai, Trump của Mỹ và Trump của Phi đều đang có những xung khắc nghiêm trọng với chính những người đã ủng hộ cho họ thắng cử tổng thống./.  


Dr. Tristan Nguyễn – San Francisco, Chủ Nhật 13/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét