Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

TỪ THUỶ-MÔN TỚI NGA-MÔN

TỪ THUỶ-MÔN TỚI NGA-MÔN  
                                                                               
(Biểu Tình Đòi Bãi Nhiệm Tổng Thống Trump Ở Austin, Texas vào ngày 2/7/2017)

Dr. Tristan Nguyễn
Thuỷ-Môn là Watergate. Tổng thống Richard Nixon vì vụ tai tiếng Thuỷ-Môn (Watergate scandal) phải từ chức vào ngày 8/8/1974.  Nga-Môn là Russia-gate. Tổng thống Donald Trump hiện tại vì vụ tai tiếng Nga-Môn (Russia-gate scandal) đã và đang bị điều tra về việc có thông đồng với nước Nga-Putin hay không và có cản trở công việc điều tra của các cơ quan chức năng hay không; nói chung là TT Trump có cản trở công lý, có bị Quốc Hội Mỹ đàn hạch bãi nhiệm, có bị truy tố hình sự, và có phải từ chức tổng thống hay không?
TT Trump đang cãi chối là bản thân ông ta không có bất cứ hành động nào thông đồng với nước Nga-Putin, không làm cản trở công lý.  Tuy nhiên, ông ta đã gián tiếp tỏ thái độ đe doạ cho nghỉ việc ông Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller.  Hiện nay Ông Mueller đang là người chủ trì cuộc điều tra vụ Nga-Môn.  Ông Mueller phải đảm nhận trọng trách cuộc điều tra độc lập của Bộ Tư Pháp Mỹ mà không một ai có quyền ngồi xổm lên hiến pháp Mỹ, xem thường luật pháp Mỹ.  Nếu không có lý do chính đáng, thì không thể đuổi việc ông công tố viên đặc biệt, cho dù đó là quyền của tổng thống Mỹ.  TT Trump có lẽ đã cảm thấy hồi hộp, lo lắng, bất an vì cuộc điều tra vụ Nga-Môn đang tiến hành một cách chuyên nghiệp vững chắc.  Hơn nữa, Ông Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein mới là người có thẩm quyền cho Ông Mueller nghỉ việc, nhưng Ông Rosenstein không thấy có lý do gì chính đáng ngoài trừ sự bất an của TT Trump.
Có những vấn đề pháp lý và chính trị nghiêm trọng mà Quốc Hội Mỹ không thể bỏ qua cho TT Trump có liên quan tới chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia khi Trump đã trực tiếp hay gián tiếp có quan hệ với Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Mục tiêu cuộc điều tra độc lập của Bộ Tư Pháp Mỹ rất rõ ràng và truyền thống dựa trên Hiến Pháp Mỹ. Ngoài những hành động đánh-trống-lảng gây ồn ào dư luận khiến cho người ta chú ý đến chuyện khác, chúng ta hãy xem xét chỉ hai hành động tiêu biểu này để thấy rõ chúng đã gây ra sự cản trở công lý.
Câu chuyện Tướng Mike Flynn Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho tổng thống đã làm cho TT Trump bị dính líu vào, và ám chỉ tổng thống muốn bảo vệ cho Flynn trong những kế hoạch bất hợp pháp của Flynn liên hệ nước Nga-Putin và nước Thổ Nhỉ Kỳ.  Tướng Flynn đang đối diện với sự truy tố hình sự vì những hành động của ông ta.  TT Trump có lẽ đã hứa hẹn đề nghị cho Flynn một sự bảo vệ bằng quyền tổng thống; đáp lại, Tướng Flynn phải không hé môi nói ra những chuyện gì mà ông ta đã biết có liên quan tới Trump. TT Trump có thể ban quyền miễn truy tố hoặc ân giảm, ân xá cho Flynn. 
Những quyền hạn tổng thống nằm trong tầm tay của Trump,  và TT Trump thực sự đã hành động để bảo vệ Flynn bằng cách hành sử quyền lực tổng thống gây sức ép lên Ông James Comey Giám Đốc FBI, người đã đang chủ trì cuộc điều tra của FBI về Tướng Flynn.  Một câu nói mà TT Trump đã nói với Giám Đốc Comey là “I hope you can let this go – Tôi hi vọng ông có thể bỏ qua chuyện này”; một lời của tổng thống nói với cấp dưới của mình như vậy có hàm ý một mệnh lệnh tổng thống cho ân xá Flynn.  Nhưng trái ngược sự mong muốn của TT Trump, vì Comey đã không làm theo ý định của Trump.  Như thế là TT Trump đã đột ngột đuổi việc ông giám đốc FBI trong nổ lực cuối cùng để huỷ bỏ hay ít nhất cũng làm chậm lại, gây trở ngại cho việc thu thập thông tin trong cuộc điều tra về Flynn.  Cho tới hôm nay TT Trump vẫn chưa bổ nhiệm được người nào, nên chức vụ giám đốc FBI còn bỏ trống, chỉ có Andrew McCabe làm Quyền Giám Đốc FBI hiện tại.
Khi xem xét Điều 1510 Bộ Luật Hình Sự Mỹ - (Section 1510 of the United States Code of Criminal Law) chỉ rõ một tội danh, “ngăn cản sự thu thập thông tin liên quan một vụ vi phạm bất cứ đạo luật hình sự nào của nước Mỹ bởi bất cứ cá nhân nào (như trường hợp của Tướng Flynn) tới một nhân viên điều tra hình sự - prevent the communication of information relating to a violation of any criminal statute of the United States by any person [such as Flynn] to a criminal investigator.” Như thế, TT Trump đã bị vướng vào Điều 1510 Bộ Luật Hình Sự Mỹ!
TT Trump có lẽ đã thuyết phục Tướng Flynn trong việc cung cấp những lời chứng gian và không giao lại cho nhân viên điều tra hình sự những bằng chứng phạm tội, cũng có thể buộc vào Điều 1510 Bộ Luật Hình Sự Mỹ, vì sự thuyết phục này bao hàm việc đề nghị hối lộ, hối lộ người làm chứng.  Việc đề nghị hối lộ người làm chứng là đề nghị một lời hứa của tổng thống rất nghiêm trọng khi ngăn cản Bộ Tư Pháp Mỹ truy tố hình sự Flynn.  Và khi xem xét Điều 18 USC 201 (c)(2) Bộ Luật Hình Sự Mỹ nói rõ việc hối lộ gồm có lời hứa cấu thành bất cứ giá trị nào đối với bất cứ cá nhân (trường hợp của Flynn), để cho hoặc bởi vì làm chứng có tuyên thệ. . .do cá nhân đó là nhân chứng. . .trước bất cứ toà án nào. . . được ủy quyền bởi luật pháp của nước Mỹ để. . .lấy lời chứng - Under 18 USC 201 (c)(2), bribery includes promising: “anything of value to any person [Flynn], for or because of the testimony under oath . . . to be given by such person as a witness . . . before any court . . . authorized by the laws of the United States to . . . take testimony.” Một lời hứa của TT Trump miễn truy tố, ân xá hay ân giảm cho Flynn có thể thành lập “bất cứ giá trị nào - anything of value” để thoả đáng yếu tố hối lộ nhân chứng được nêu ra trong Điều 1510 Bộ Luật Hình Sự Mỹ.  Nếu Flynn thực sự trao đổi với TT Trump về việc ông ta giữ im lặng để ông ta được miễn truy tố, được ân xá, hoặc được ân giảm; Trump cũng sẽ bị buộc vào Điều 18 USC 201 (c)(2) Bộ Luật Hình Sự Mỹ.  Tội danh cản trở một cuộc điều tra cũng phổ biến ở nước Mỹ, khi đương sự ra sức ngăn một đồng sự khai báo những gì ông ta biết được. 
Sơ khởi Flynn bị điều tra về việc có nhận tiền của chính phủ nước ngoài mà không được sự chấp thuận trước của giới hữu trách Mỹ.  Ngày 14/2/2017 Flynn đã phải nghỉ việc làm cố vấn an ninh quốc gia cho TT Trump sau khi làm việc được chỉ có 21 ngày.  Thời gian trước ngày Tướng Flynn nhận chức cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống, mặc dù TT Trump có nhận được sự cảnh báo của Sally Yates lúc đó làm Quyền Bộ Trưởng Tư Pháp là Flynn đã thoả hiệp với người Nga có hại cho nước Mỹ, nhưng Flynn vẫn cứ được nhận chức vụ quan trọng vì Flynn rất thân cận với TT Trump.  Như thế ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Flynn có thể trong nhiều tuần lễ đã thâm nhập rất nhiều tin tức quan trọng tối mật của nước Mỹ.  Sau khi có bộ trưởng tư pháp mới là Ông Jeff Sessions thì Sally Yates bị thay thế bởi một phụ tá bộ trưởng mới là Rod Rosenstein.  Cuộc điều tra Flynn đã vào giai đoạn cuối thu thập những thông tin thiết yếu không thể thiếu, thì Flynn đột ngột nghỉ việc vì lý do cá nhân.
Ngay hôm sau, khi Flynn đã nghỉ việc, TT Trump đã nói với Giám Đốc FBI James Comey là “I hope you can let this go – Tôi hi vọng ông có thể bỏ qua chuyện này.” Khi Comey đã rõ ràng không trung thành với cá nhân TT Trump, và không thể bỏ qua chuyện của Flynn, thì TT Trump đã đột ngột đuổi việc Comey.  Trong lịch sử nước Mỹ hình như chưa có một tổng thống Mỹ nào tỏ ý, trực tiếp hay gián tiếp, đòi hỏi sự trung thành cá nhân của giám đốc FBI đối với cá nhân của chính mình.  Và chưa có một tổng thống Mỹ nào bất ngờ cho ông giám đốc FBI nghỉ việc không lý do chính đáng.  Còn chưa hết chuyện đáng kinh ngạc, ngay hôm sau chỉ một ngày Comey bị đuổi việc còn chưa hết bàng hoàng, TT Trump đã tiếp kiến Sergey Lavrov Ngoại Trưởng Nga và Sergey Kislyak Đại Sứ Nga tại Mỹ ở văn phòng tổng thống, và TT Trump thông báo cho họ biết giám đốc FBI đã bị nghỉ việc. Trump nói với họ “Comey là Mụt Nhọt Ở Đít – Comey is a Bad Ass.”
Có thể hiểu được tại sao TT Trump thấy là cần thiết phải mạo hiểm làm một việc mà chưa có tổng thống Mỹ nào đã làm để đuổi việc một giám đốc FBI không lý do chính đáng, trong khi Ông James Comey có rất nhiều uy tín và được quí trọng trong cả cộng đồng tình báo và chấp pháp Mỹ; bởi vì TT Trump cho rằng Ông Sessions Bộ Trưởng Tư Pháp là người nhà, kể cả phụ tá bộ trưởng Rosenstein cũng là người nhà nữa, nên Trump có thể lạm quyền thao túng bộ tư pháp.  Có lẽ TT Trump đã đang xây dựng một chính-phủ-Trump-gia-đình-trị gồm có con trai, con gái và con rễ tham gia.  Có lẽ Trump đã quen có thái độ của một hoàng đế cho dù là Hoàng Đế Không Có Trứng Dái – The Emperor Has No Balls, nên Trump quên là Tổng Thống Mỹ không phải là Vua Mỹ. Và nhất định là Dân Mỹ không bao giờ chấp nhận có Vua Mỹ, hoặc một chế độ gia đình trị cai quản nước Mỹ.
Rất rõ ràng là TT Trump nghĩ rằng ông ta có thể làm bất cứ chuyện gì ông ta muốn, nhưng Quốc Hội Mỹ không để yên cho ông ta, và những đảng viên Cộng Hoà trong quốc hội bây giờ cũng không còn chiều chuộng TT Trump như trước đây. Họ muốn chỉ cho TT Trump biết đâu là Tam Quyền Phân Lập, Hành Pháp -Lập Pháp – Tư Pháp rõ ràng ngang nhau, và TT Trump không thể cậy quyền lấn lướt hai ngành lập pháp và tư pháp. Nhất là khi Trump đã nhiều lần tỏ ý định huỷ bỏ lệnh cấm vận nước Nga-Putin. Vào năm bầu cử tổng thống Mỹ 2016 vì nước Nga đã tấn công liên mạng của Mỹ và can thiệp vào chuyện bầu cử tổng thống, nên TT Obama đã ra lệnh cấm vận nước Nga, trục xuất 35 tình báo viên đội lốp nhân viên ngoại giao người Nga, và tịch thu hai khu nhà ở Long Island, New York làm chỗ trú ẩn cho nhân viên tình báo Nga.  Quốc Hội Mỹ đã chặn tay TT Trump không để cho ông ta gở bỏ lệnh cấm vận nước Nga trong thời gian này. Tuy nhiên, trong tháng Năm vừa qua TT Trump cũng đã trao trả cho người Nga hai khu nhà ở Long Island.
Kể từ ngày nhậm chức tổng thống vào tháng Giêng năm 2017 cho tới nay TT Trump là một tổng thống Mỹ gây ồn ào dư luận nhiều nhất bằng cách thường xuyên phóng ra những lời phát biểu có liên quan tới các chính sách quốc gia Mỹ trên mạng xã hội Twitter. Lịch sử nước Mỹ chưa từng có một tổng thống nào đem những chuyện chính sách quốc gia ra nói tùm lum trên mạng xã hôi Twitter như là chuyện phiếm. Những lời lẽ của Trump trên mạng Twitter thường thường không nghiêm trang, không đàng hoàng của tư cách một tổng thống; ngược lại, đó là những lời lẽ của một người chưa trưởng thành, ham gây sự, thích làm nhục người khác. Nhiều khi đọc những lời lẽ của Trump trên mạng Twitter khiến người ta có cảm tưởng là của ai đó khác hơn Trump, chứ không phải của Trump một người già bảy mươi tuổi nói năng chững chạc, có phong độ tổng thống Mỹ. Ngược lại như thế thì Trump đã khua chiêng, đánh-trống-lảng, nói lảng sang chuyện khác để đánh lừa dư luận người dân Mỹ, để tránh sự chú ý tới sự thông đồng với người Nga và nước Nga-Putin.
Người ta đã chứng kiến chuyện TT Trump từng gây chiến với giới báo chí Mỹ. Báo chí nói chung, lập trường bảo thủ - lập trường cấp tiến - lập trường trung dung, đều phải tôn trọng sự thật. Ký giả là người dám nói lên sự thật; nếu ký giả không nói sự thật, thì là người giả mạo ký giả. Có lẽ nào Trump sợ sự thật, nên Trump phải đánh báo chí, phải đả kích cá nhân ký giả; cũng như Trump đã phải tránh hội họp với báo chí. Các vị tổng thống Mỹ đều có họp báo hàng tuần, còn TT Trump không bao giờ họp báo! Tại sao Stephen Bannon chiến lược gia quân sư của TT Trump yêu cầu giới báo chí Mỹ phải câm miệng lại? Tại sao Trump sợ và ghét giới báo chí Mỹ? 
Trump xem các hệ thống truyền thông New York Times, Washington Post, Fox & Friends, NBCNews, CBS, CNN, ABC là kẻ thù của Trump. Mới đây cũng trên mạng Twitter và POTUS, Trump đã tấn công đài truyền hình CNN là rác rưởi, và hai vợ chồng ký giả đồng chủ nhiệm Chương Trình Morning Joe trên đài truyền hình MSNBC là ông Joe Scarborough và bà Mika Brzezinski là “thằng bệnh tâm thần Joe – Psycho Joe”, là “con khùng Mika – Crazy Mika”, là “Mika sửa sắc đẹp có chảy nhiều máu – bleeding badly from facelift”, là “kém thông minh trí thiểu năng – low IQ”, v.v…Có lẽ Trump bị ám ảnh nặng với phụ nữ và máu dơ bẩn, nên Trump đã từng xem thường phụ nữ Mỹ! Nhưng đây một sự đả kích riêng tư cá nhân kỳ cục, quái đản của một ông già như Trump! 
Trump đã hết thuốc chữa rồi! Còn một chuyện kinh dị của Trump xảy ra hôm qua nữa, đó là buổi tối 2/7/2017, trên mạng Twitter và POTUS tài khoản của TT Trump xuất hiện đoạn clip khoảng 30 giây ghi cảnh TT Trump vật một người đàn ông xuống đất và Trump đánh túi bụi. Người ta không thấy rõ mặt mũi người bị Trump đánh do logo CNN che khuất, nhưng gương mặt hả hê của TT Trump sau khi “đấm thục mạng CNN” thì rất rõ. Như thế thì Trump thực sự đã hết thuốc chữa rồi! Trong trường hợp cứu cấp, hãy đập vỡ kính để cứu cấp cho TT Trump và Mỹ Quốc thân yêu của chúng ta! Và Đảng Cộng Hoà đã có “Kế Hoạch Đập Kính Cứu Cấp - Breakglass Emergency Plan”. Hơn nữa, cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, và những chính trị gia Độc Lập trong Quốc Hội Mỹ có Tu Chính Án Thứ 25 (the 25th Amendment to the US Constitution) để đem một tổng thống ra khỏi phủ tổng thống vì ông ta bị bệnh quá nặng hết thuốc chữa.
Tóm lại để kết luận, hai Điều 1510 và 18 USC 201 (c)(2) Bộ Luật Hình Sự Mỹ có thể buộc chặt TT Trump. Giống như TT Nixon tránh không để Quốc Hội Mỹ đàn hạch bãi nhiệm, nên đã từ chức tổng thống vào ngày 8/8/1974. Lúc từ chức Nixon vẫn khỏe mạnh, lý trí minh mẫn, tinh thần sảng khoái, vui vẻ ra đi. Ngược lại, TT Trump có quá nhiều tham vọng ngông nghênh và ám ảnh bệnh hoạn; nên cần thiết phải đập vỡ kính – breakglass emergency để cứu cấp cho ông ta, và Mỹ Quốc thân yêu của chúng ta!

Dr. Tristan Nguyễn - San Francisco, 3/7/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét