Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

KỶ NIỆM HIỆP ĐỊNH HOÀ BÌNH PARIS 1973

KỶ NIỆM HIỆP ĐỊNH HOÀ BÌNH PARIS 1973                                                Nguyễn Thành Trí

Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 có ghi rõ ràng một sự kiện lịch sử quan trọng đáng nhớ. Cho tới năm nay 2015 là 42 năm đã trôi qua, và sự thật của sự kiện lịch sử này vẫn còn nguyên đó, bởi vì các yêu cầu chính đáng và nguyện vọng tha thiết của Nhân Dân Việt Nam vẫn chưa được những Người-Có-Trách-Nhiệm-Với-Nhân-Dân-Việt-Nam đáp ứng thích đáng, thoả mãn cho họ!

Ngày 27 tháng Giêng hàng năm là ngày kỷ niệm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở ba nước Việt-Miên-Lào.  Nói là ngày kỷ niệm vì nó gợi nhớ lại nỗi vui mừng của hầu hết mọi người Việt Nam từ Bắc xuống Nam.  Một cách giản dị là đối với người dân hai miền Nam-Bắc-Việt-Nam thì họ rất mừng vui khi biết chắc là sẽ không còn những đợt ném bom khủng khiếp ở miền bắc, những trận pháo kích vào thành phố miền nam, những cuộc chạm súng bắn giết lẫn nhau mỗi ngày, mỗi đêm trong suốt 28 năm nội chiến quốc-cộng.  Ở giữa hai lằn đạn bom thì người thường dân Việt Nam mới đúng là một thành phần dân tộc đã phải chịu nhiều tổn thất sinh mạng đau thương nhất, nên họ mừng vui nhất khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.  

Người ta có thể nói rằng trong cuộc xung đột đẫm máu giữa hai chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản, ở trong nước Việt Nam cũng còn có chủ nghĩa dân-tộc-độc-lập-sinh-tồn của khối đại đa số thường dân phải chịu đựng sự tranh giành quyền lực lãnh đạo xã hội của hai lực lượng quốc-cộng. 

Ở trong nước Việt Nam có những sự kiện lịch sử cho thấy một sự thật bi đát là cả hai chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản đều có sức mạnh lực lượng vũ trang, còn chủ nghĩa dân-tộc-độc-lập-sinh-tồn không có súng đạn, không có bạo lực, chỉ có sức mạnh của thường dân và quyền dân tộc tự quyết nhưng chưa bao giờ thực sự được thực hiện!  Không nói tới vùng phụ cận là hai nước Miên-Lào, ở trong nước Việt Nam người ta đã nhận ra một sự thật là không thể có một chiến thắng quân sự bằng “Biển Người Lính Cộng Sản Bắc Việt tràn ngập những Đồn Bót Miền Nam” và cũng không thể chiến thắng bằng cách “Ném Bom cho Miền Bắc trở thành Thời Kỳ Đồ Đá”.  

Một chiến thắng quân sự chỉ có thể chiếm đóng lãnh thổ miền Bắc hoặc miền Nam, nhưng không thể chiếm được trái-tim và khối-óc của người dân Việt Nam.  Vì vậy để giải quyết tận gốc rễ của cuộc xung đột quốc-cộng đã đẫm máu của quá nhiều người, kéo dài trong một thời gian quá lâu, với con số tổn thất nhân mạng quá cao, không riêng gì của người Việt Nam trong cả nước, mà phải kể cả của người Miên, người Lào, và người Ngoại-Nhập nói chung; người ta nhìn thấy các chính phủ của bốn bên chủ yếu tham chiến là VNCH, lâm thời Việt Cộng-CMLTCHMNVN, Mỹ, và VNDCCH-CS Bắc Việt đi tới Paris nước Pháp để cùng đàm phán hoà bình. Tuy nhiên, cuộc hoà đàm này cũng diễn ra kéo dài quá nhiều ngày tháng, vì riêng chuyện đồng ý với nhau về hình dáng cái bàn hội nghị phải vuông, phải tròn, phải bầu dục, phải chữ nhật, phải hình thoi, và những chiếc ghế ngồi của đại biểu tham dự phải thế này thế kia, vị trí chỗ ngồi của bốn phái đoàn tham dự phải ở phía đông, hay phía tây, hay phía nam, hay phía bắc được chọn đặt để chỗ nào cho Mỹ, cho VNCH, cho CS Bắc Việt, và cho VC miền Nam Việt Nam, mà phải thế này, phải thế kia, vân… vân, cũng làm mất thời giờ hoà đàm tới năm sáu tháng! 

Cuộc đàm phán hoà bình cho nước Việt Nam đã có nhiều trở ngại, không mau lẹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam như trường hợp bằng hai quả bom rơi xuống Quảng Đảo và Trường Kỳ của nước Nhật.  Chỉ riêng các điều kiện như chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt khăng khăng đòi loại bỏ TT Thiệu khỏi chính phủ VNCH trước khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam. Ngược lại, TT Thiệu cương quyết không công nhận có chính phủ lâm thời Việt Cộng-CMLTCHMNVN, và ông Thiệu còn đi xa hơn nữa là không chấp nhận “Thành Phần Thứ Ba Trung Lập” hiện tại ở miền Nam Việt Nam, cho nên không có tổng tuyển cử. Người ta nhận thấy cái lập trường “võ biền không khôn ngoan chính trị tí nào” của ông Thiệu là “Ai theo ông thì là người quốc gia tốt. Ai không theo ông thì là người cộng sản xấu. Không có thành phần thứ ba trung lập gì cả. Một là Quốc Gia. Hai là Cộng Sản. Không có Ba là Trung Lập.” 

TT Thiệu đã không hiểu cái thành phần thứ ba này là đại đa số người dân Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều đau khổ, tổn thất sinh mạng tài sản quá nhiều vì chiến tranh kéo dài quá lâu, họ đã quá chán nản cả hai quốc gia và cộng sản, vì cả hai là hiện thân của bom đạn tàn phá, bắn giết chết chóc, cho nên họ muốn chiến tranh phải kết thúc càng sớm càng tốt.  Và người ta càng nhận ra rõ ràng sự vô lý của ông Thiệu trong một giải pháp chính trị giải quyết tranh chấp quốc-cộng về quyền lực lãnh đạo chính phủ và quản lý miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến là ông Thiệu muốn làm lại cái tuồng hát “độc diễn” tổng tuyển cử vì ông đã không công nhận thành phần Việt Cộng và thành phần Thứ Ba Trung Lập ở miền Nam Việt Nam. 

Và như thế là TT Thiệu vẫn cứ từ chối không nhận ra một thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính phủ, có hai quân đội vũ trang, và có hai vùng kiểm soát khác nhau.  Theo quan điểm của ông Thiệu là chỉ có một chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt và VC miền Nam là công cụ tay sai của CS Bắc Việt. Điều này rõ ràng là rất đúng sự thật như vậy. Ông Thiệu nhất định rằng ở miền Nam Việt Nam chỉ có một chính phủ VNCH. Có hai nước Việt Nam, một là chế độ cộng sản ở miền Bắc và một là chế độ cộng hoà ở miền Nam, ranh giới là vĩ tuyến 17.  Riêng chính phủ Mỹ đã chấp nhận cái thực tế có một chính phủ lâm thời, có nghĩa là chính phủ chưa chính thức, của VC miền Nam mà TT Thiệu từ chối đối thoại, thương lượng.  

Chính phủ Mỹ còn mạnh bạo hơn nữa để bắt buộc hai chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt và lâm thời VC-CMLTCHMNVN trở lại cuộc hoà đàm bằng một trận ném bom khủng khiếp liên tục 12 ngày làm tê liệt hơn 80 phần trăm cầu đường, bến phà, bến tàu, nhà ga của hệ thống giao thông, phá huỷ hầu như toàn bộ kho hàng tiếp liệu, và toàn bộ nhà máy điện nước của miền Bắc. Kết quả của cuộc Ném Bom Giáng Sinh 1972 đã thúc đẩy CS Bắc Việt và VC miền Nam phải nhanh chóng trở lại Paris và đồng thuận ký tên vào Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973, và nhất là họ phải chấp nhận việc duy trì TT Thiệu cho tới ngày tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam.  

Để đánh dấu một ngày kỷ niệm đẹp mà toàn thể người dân Việt Nam có được sau bao nhiêu ngày tháng năm đau khổ chịu đựng một cuộc nội chiến huynh-đệ tương tàn đẫm máu của chính mình, hoặc của cha mẹ, anh em, bà con, bạn thân, láng giềng, các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam đã viết ra những bản nhạc có lời ca xưng tụng hoà bình và ca ngợi tình yêu đôi lứa của những chiến binh còn sống sót trở về với gia đình, với vợ con, hay có lời ca kêu gọi, cổ võ sự thương yêu, tha thứ, bao dung, hoà hợp anh em bạn bè của các bên tham chiến, khi tàn cơn khói lửa bỏ vũ khí xuống còn sống về quê vui mừng gặp lại nhau.  Cũng có một tấm hình chụp hai người lính tác chiến của bộ đội cộng sản miền Bắc và quân đội cộng hoà miền Nam đang khoác tay choàng cổ cười vui với nhau khi có lệnh ngưng bắn tại chỗ vì có Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 đã có hiệu lực.  

Đó là những dữ kiện lịch sử khách quan, sự kiện lịch sử quan trọng đáng nhớ, sự thật không thể chối cãi hay sửa đổi những cảm xúc chân thật của người lính Việt Nam ở cả hai bên chiến tuyến, những tình cảm dân tộc của người dân Việt Nam ở trong cả nước lương thiện, trung thực, có thật không thể dùng lời ngụy biện xuyên tạc, tuyên truyền “thắng-cuộc, thua-cuộc” một cách hàm hồ dối trá nhằm “bốc-thơm-bốc-phét” cho riêng một phía, bởi vì “Hoà Bình Trong Danh Dự” khi Bốn Bên Lâm Chiến tại Việt Nam đã đồng thuận chấm dứt “chiến-tranh-không-có-kẻ-thắng-người-thua” để lập lại hoà bình lâu dài trên cả ba nước Việt-Miên-Lào.
Riêng ở miền Nam Việt Nam sẽ được giải quyết tranh chấp quyền lực lãnh đạo chính phủ miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến bằng một giải pháp chính trị, ôn hoà không bạo động, được thực hiện qua một cuộc tổng tuyển cử tự do có tổ chức quốc tế giám sát. 

Căn cứ vào dữ kiện lịch sử của Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973, ở miền Nam Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực các bên tham chiến phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngưng bắn tại chỗ. Hai bên miền Nam Việt Nam là chính phủ VNCH và chính phủ lâm thời Việt Cộng-CMLTCHMNVN có trách nhiệm hiệp thương để đồng thuận, nhất trí về các vấn đề nội bộ của miền nam càng sớm càng tốt, để chú trọng vào mục đích sau cùng là một cuộc tổng tuyển cử tự do phù hợp với yêu cầu chính đáng và nguyện vọng tha thiết của Nhân Dân Miền Nam Việt Nam được thực sự thực hiện quyền Tự Quyết, tự do chọn lựa chính thể, được sống tự do trong miền Nam Việt Nam hoà bình, dân chủ, và độc lập.

Vì lập trường Bốn Không của TT Thiệu nên chính phủ VNCH đã không công nhận và nhượng bộ hiệp thương với chính phủ lâm thời VC-CMLTCHMNVN, trong khi chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt đã sử dụng chính phủ lâm thời VC như một công cụ xâm lăng miền nam, cho nên chính phủ lâm thời VC cũng không quyết liệt đòi hỏi thực hiện Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973. Chính phủ CS Bắc Việt và chính phủ lâm thời VC Miền Nam chỉ muốn chiếm trọn miền Nam Việt Nam bằng phương tiện quân sự trong bất cứ lúc nào có cơ hội tốt cho họ. Khi xem xét một cách khách quan những dữ kiện lịch sử cho thấy rõ ràng là cả ba chính phủ VNCH, lâm thời Việt Cộng-CMLTCHMNVN, và VNDCCH-CS Bắc Việt đều vi phạm hiệp định hoà bình, không tôn trọng lệnh ngưng bắn khi cả ba đều tiếp tục những cuộc hành quân “lấn đất, giành dân, cắm cờ giành quyền làm chủ những vùng đất của NHÂN DÂN VIỆT NAM!”. Căn cứ vào những điều khoản cam kết thi hành của Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 thì chính phủ Mỹ và chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt sau khi hiệp định hoà bình có hiệu lực thì họ sẽ không được phép tiếp tục can thiệp vào những vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam, và phải tôn trọng quyền Tự Quyết của Nhân Dân Miền Nam.

Tuy nhiên trên thực tế sau khi có lệnh ngưng bắn tại chỗ thì cả hai phía quốc gia và cộng sản vẫn cứ tung ra những cuộc hành quân diện địa để giành kiểm soát dân chúng và nới rộng vùng đất chiếm được để treo cờ quốc gia vàng ba sọc đỏ, hay cờ việt cộng nửa xanh nửa đỏ sao vàng, mặc dù các đơn vị hành quân của cộng sản là lính chính qui Bắc Việt nhưng họ đã ngụy trang treo cờ chính phủ lâm thời VC-CMLTCHMNVN.  Một hình ảnh rõ ràng làm thí dụ cụ thể cho sự nguỵ trang lính CS Bắc Việt trở thành lính VC Miền Nam là chiếc xe tăng CS Miền Bắc đã ủi sập cổng Dinh Độc Lập lại treo cờ VC Miền Nam.  Nếu so sánh lực lượng quân sự thì chính phủ lâm thời VC-CMLTCHMNVN không có gì hơn những đơn vị du kích địa phương mà tỉnh đội là một tổ chức vũ trang lớn nhất ở mỗi tỉnh cũng không đủ quân số và súng đạn cho họ.  Cho dù các Tỉnh Đội VC có những tiểu đoàn chủ lực địa phương nhưng họ cũng không có khả năng chiến đấu đủ mạnh đánh lại các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân ở mỗi Tiểu Khu của chính phủ VNCH vì có sự yểm trợ rất mạnh của các đơn vị phi-pháo diện địa. 

Hơn nữa, chính phủ lâm thời VC-CMLTCHMNVN không có những lực lượng vũ trang cơ động, cơ giới mạnh so với toàn bộ Quân Đội của chính phủ VNCH. Đây là lý do chính giải thích tại sao chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt cứ khăng khăng yêu cầu được duy trì các đơn vị chính qui Bắc Việt tại chỗ sau khi ngưng bắn với một biện luận “họ là người Việt Nam không phải đơn vị ngoại nhập như lính Mỹ và lính Đồng Minh phải rút về nước. Để được đồng thuận về việc này, chính phủ VNDCCH-CS Bắc Việt phải rút lại yêu cầu loại bỏ TT Thiệu khỏi chính phủ VNCH, họ phải chấp nhận việc duy trì ông Thiệu ở vị trí lãnh đạo chính phủ VNCH cho tới ngày có một cuộc tổng tuyển cử tự do ở miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến”.  Những đơn vị chính qui CS Bắc Việt để lại ở dưới vĩ tuyến 17 sau khi hiệp định hoà bình và lệnh ngưng bắn tại chỗ có hiệu lực sẽ được nguỵ trang thành các đơn vị vũ trang của chính phủ lâm thời Việt Cộng-CMLTCHMNVN để họ có một quân đội khả dĩ có khả năng thương lượng với chính phủ VNCH của TT Thiệu trong những cuộc hiệp thương giải quyết những vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến.   

Dĩ nhiên Uỷ Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Ngưng Bắn ở các tiểu khu và quân khu tại miền Nam Việt Nam lúc đó đều biết chuyện xấu vi phạm hiệp định đã xảy ra do cả ba chính phủ VNCH, và VNDCCH-CS Bắc Việt đứng phía sau giật dây ra lệnh Việt Cộng-CMLTCHMNVN cùng nhau lấn đất giành dân treo cờ chủ quyền (!) khiến cho công tác của Uỷ Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Ngưng Bắn không có kết quả tốt!  Trên thực tế rõ ràng ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, có hai quân đội, và có hai vùng kiểm soát khác nhau mà cả hai bên miền Nam Việt Nam trên nguyên tắc của hiệp định hoà bình đều không được phép dùng vũ lực để thôn tính lẫn nhau, cho nên phát sinh yêu cầu phải có một Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc với một giải pháp chính trị là một cuộc tổng tuyển cử tự do ở miền Nam để Nhân Dân Miền Nam Việt Nam thực sự thực hiện quyền Tự Quyết lựa chọn chính thể phù hợp với nguyện vọng được sống trong một nước dân chủ, hoà bình, độc lập, và người công dân có mọi quyền tự do căn bản. 

Như vậy ở miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến đã có một Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 và những Điều Khoản quan trọng thiết yếu để giải quyết sự tranh chấp quyền lực lãnh đạo miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến một cách ôn hoà, không phải cưỡng đoạt, cướp chính quyền đang có, và toàn thể Nhân Dân miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến sẽ phải hài lòng với cái kết quả cuối cùng của một cuộc tổng tuyển cử tự do, cho dù nó là một chính phủ cộng sản hay một chính phủ cộng hoà thì cũng do toàn dân miền nam tự quyết định lựa chọn.  Căn cứ vào những dữ kiện lịch sử Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 là hai bên miền Nam Việt Nam gồm có hai chính phủ, VNCH và lâm thời VC-CMLTCHMNVN, phải hiệp thương với nhau để thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc trong thời gian 90 ngày ngay sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực và hoà bình được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Trong thời gian 3 tháng hai bên miền Nam Việt Nam đã không thể thành lập được một Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc, như vậy trong thời gian 27 tháng sau đó cho tới ngày 30/4/1975 cả hai chính phủ cộng hoà và cộng sản vẫn không thể nào thoả thuận gì với nhau, bởi vì họ thực sự đã không bắt đầu “cuộc nói chuyện với nhau”. Họ thực sự đúng là những kẻ câm-và-điếc, mà cũng không-biết-ra-dấu cho người-đối-diện hiểu!  Nếu họ đã muốn cái-gì, thì họ nhờ người-khác, chẳng hạn như người Pháp (!) “ra-dấu!” thay cho họ, nhưng họ không thành thật, chỉ để lường gạt đối phương!  Vì vậy cuộc hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến đã bế tắt ngay từ đầu, và sự tranh chấp quyền lực lãnh đạo chính quyền và quản lý miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến vẫn không thể hoà giải cho đến mức độ phải tiêu diệt lẫn nhau một-mất-một-còn, và ngày 30/4/1975 đã lên tới đỉnh điểm của cuộc tranh chấp quốc-cộng ở Việt Nam.

Người ta xem xét khách quan tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Thiệu có nhiều đoàn thể, đảng phái, tôn giáo ở miền Nam đã từng ủng hộ ông Thiệu, nhưng thời gian sau đó họ cũng lên tiếng chống đối ông Thiệu và bè phái của Thiệu. Đồng thời họ cũng mạnh dạn kêu gọi hai bên miền Nam Việt Nam là chính phủ VNCH và lâm thời VC-CMLTCHMNVN cũng như CS Bắc Việt phải thực tâm, thực sự ngưng chiếnnghiêm chỉnh thi hành Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 vì đó là yêu cầu chính đáng và nguyện vọng tha thiết muốn có hoà bình của Nhân Dân miền Nam Việt Nam. Như vậy rõ ràng khối đại đa số thường dân ở miền Nam Việt Nam mà đại diện của họ là những đảng phái chân chính, tôn giáo thuần khiết không làm tay sai cho Việt Cộng cũng không làm gia nô cho ông Thiệu.  Họ chống ông Thiệu và bè phái của Thiệu vì tính cách độc tài, tham nhũng, tham quyền cố vị, độc diễn bầu cử để tiếp tục được làm tổng thống nhưng không được lòng dân, và cũng bởi vì cái đảng Dân Chủ Cờ Vàng Sao Đỏ của ông Thiệu lập ra ở miền Nam trong thời điểm ông Thiệu độc diễn bầu cử để giúp ông-Thiệu-một-mình-thắng-cử! Đảng Dân Chủ của ông Thiệu đã bị người dân miền Nam phỉ báng là “Đảng Dân Chửi Ông Thiệu” cũng bởi vì “tính-cách-xôi-thịt”, và  “tính-cách-vô-tích-sự” của nó không giúp ích gì cho Nhân Dân miền Nam Việt Nam.

Một cách trầm trọng hơn nữa là ông Thiệu đã không khôn ngoan vận dụng một-số-nhiều-tiền của chính phủ Mỹ viện trợ tái thiết hậu-chiến cho miền Nam Việt Nam, và thời gian 27 tháng sau khi ở miền Nam Việt Nam có hiệp định hoà bình và ngưng bắn có hiệu lực để vận động có kết quả tốt các đoàn thể, đảng phái, tôn giáo chân chính qui tụ về ủng hộ cho ông Thiệu một cách xứng đáng, chính trực; chứ họ không phải cúi-đầu-vâng-lệnh-làm-gia-nô cho ông. Chính ông Thiệu đã làm cho chính phủ VNCH mất chính nghĩa “cộng-hoà, tự-do, dân-chủ” khi ông Thiệu chỉ chừa ra những kẻ làm gia-nô cho ông, còn lại những người chính trực chống đối ông thì bị ông mạnh tay đàn áp. Đến đây cũng nên nhấn mạnh một lần nữa là không phải tất cả những người chống đối TT Thiệu là Việt Cộng.  Họ chống ông Thiệu vì những chính sách không có ích lợi gì cho Nhân Dân miền Nam Việt Nam, họ chống ông Thiệu vì ông và bè phái của ông tham nhũng, hối mại quyền thế, họ chống ông Thiệu vì ông không có tài lãnh đạo chính phủ nhưng ông độc tài, độc diễn để tham quyền củng cố địa vị. Họ chống TT Thiệu nhưng họ không phải Việt Cộng, và vì chính họ với lập trường độc-lập dân-tộc, tự-do dân-chủ nên họ cũng quyết tâm chống cộng sản vô-thần, vô-gia-đình, vô-tổ-quốc.  Trên thực tế ở miền Nam Việt Nam có một tình huống trớ trêu khốn nạn cho những người quốc gia chân chính chống đối TT Thiệu đều bị ông Thiệu và bè phái của Thiệu cứ chụp-mũ họ là Việt Cộng để bắt giữ, trấn áp, quản chế hoạt động của họ.

Trong tháng Giêng năm 1973 sau khi Hiệp Định Hoà Bình Paris có hiệu lực, giả sử như cả hai bên miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến gồm có hai chính phủ, VNCH và lâm thời VC-CMLTCHMNVN, trong thời gian 90 ngày đồng thuận tiến hành thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc, một hội đồng gồm có ba thành phần nhân sự là Quốc Gia, Cộng Sản, và Trung Lập hay thường gọi là Thành Phần Thứ Ba cùng nhau làm việc theo nguyên tắc đồng thuận nhất trí để cuối cùng tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử tự do ở miền Nam Việt Nam phù hợp với yêu cầu chính đáng và nguyện vọng tha thiết của toàn thể Nhân Dân miền Nam Việt Nam là được thực sự thực hiện quyền Tự Quyết chọn lựa chính thể, thì có lẽ không có cảnh người lính cộng hoà và người dân miền Trung tán loạn di tản chiến thuật (!), không có cảnh bắt giữ tù đày cải tạo để trấn áp trả thù (!), không có cảnh đói khát khổ cực của người dân miền Nam ở những vùng kinh tế mới (!), và nhất là ngày nay không có tới hơn 3 triệu người Việt Nam phải sống tha hương vì đã phải bỏ nước ra-đi-tìm-tự-do ở xứ người (!).  Nếu trong năm 1973 ở miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến thực sự có được một Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc thì chắc chắn không có Ngày Ô Nhục 30/4/1975 Miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm, và Nhân Dân miền Nam Việt Nam bị phân tán chia lìa, người còn ở lại trong nước thì phải sống như bị lưu đày trên chính quê hương của mình, người phải bỏ nước ra đi tha hương xứ người vì tự do!

Nhân dịp kỷ niệm ngày Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 xin đề nghị người Việt ở hải-ngoại và kể cả người Việt ở trong nước nên đọc lại và tìm hiểu nội dung chi tiết đầy đủ của Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 để nhận thấy cho rõ ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng to lớn của nó đối với Nhân Dân Việt Nam nói chung và nhất là Nhân Dân miền Nam Việt Nam. Cũng có thể là trong năm 1973 đã có rất nhiều người Việt Nam chưa từng được đọc văn bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt, vì cả hai bên quốc gia và cộng sản, Miền Nam cũng như Miền Bắc đều đã không phổ biến văn bản hiệp định này ra cho toàn thể người dân trong cả nước biết nội dung chi tiết ra sao. Căn cứ vào những dữ kiện lịch sử và chúng ta phải tôn trọng sự thật sự kiện lịch sử khi trao đổi ý kiến, nhận xét khách quan để tránh được những sự tranh cãi không cần thiết và không đem lại ích lợi chung cho quốc gia dân tộc Việt Nam, cũng như cần phải tránh khích động sự đả kích bôi nhọ cá nhân và “chụp mũ hại người” như thuở còn cuộc nội chiến quốc-cộng ở Việt Nam trước đây. 

Vì sự kiện lịch sử của văn bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 đã không được những người có trách nhiệm cầm quyền ở Việt Nam cho phép phổ biến rộng rãi và đã không giảỉ thích cặn kẻ rõ ràng cho người dân Việt Nam trong cả nước được hiểu ý nghĩa quan trọng của hiệp định hoà bình này.  Về việc Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc đã không được những người có trách nhiệm cầm quyền ở Việt Nam vào thời điểm năm 1973 thành lập trong vòng 90 ngày ngay sau khi Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 có hiệu lực được so sánh như một hành động gây tội ác với Nhân Dân Việt Nam, đã gây tổn hại nghiêm trọng tình đoàn kết của Nhân Dân Việt Nam thời hậu-chiến vì làm cho tình cảnh chia rẽ giữa người Việt Nam nói chung càng ngày càng phức tạp sâu sắc, và tính cách nghi kỵ, thù ghét giữa người Việt Quốc Gia và người Việt Cộng Sản càng lúc càng sâu đậm không thể hoà giải được xung khắc giữa họ với nhau về việc tranh chấp quyền lực lãnh đạo xã hội Việt Nam của Nhân Dân Việt Nam thời hậu-chiến!      

Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc đã không được những người có trách nhiệm cầm quyền miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến thực tâm, thực sự thành lập; tuy nhiên, cũng có một lá cờ dành cho hội đồng này đã được thiết kế hoàn chỉnh kích thước, màu sắc, và có ý nghĩa đầy đủ được giải thích rõ ràng. Lá cờ đó có tên là Lá Cờ Hoà Giải Của Nước Việt Nam đã dự định được trình bày với Nhân Dân Việt Nam khi Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc tuyên bố nhậm chức làm việc. Cần phải nói rõ là Lá Cờ Hoà Giải Của Nước Việt Nam đã được sáng tạo ra cho Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc sử dụng vào năm 1973 thời hậu-chiến trở về sau này, nó không thay thế những lá cờ của các chính phủ VNCH, hay lâm thời VC-CMLTCHMNVN, hay VNDCCH. Nó được Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc sử dụng để phân biệt rõ ràng là cơ quan hội đồng không trực thuộc của chính phủ VNCH, hay lâm thời VC-CMLTCHMNVN, hay VNDCCH. 

Lá cờ Hoà Giải và Hoà Hợp là để xác định mục tiêu của hội đồng có trách nhiệm cao cả, phục vụ cho Nhân Dân Việt Nam trong công tác thực hiện thực sự cuộc hoà giải và hoà hợp để tiến tới việc tổ chức thành công một cuộc tổng tuyển cử tự do cho người dân Việt Nam thời hậu-chiến.  Đáng tiếc thay Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc và lá cờ mang ý nghĩa hoà giải, hoà hợp của hội đồng đã bị những kẻ-xấu-nhưng-có-trách-nhiệm-cầm-quyền-và-có-quyền phá hoại nó ngay từ lúc đầu. Đến ngày 27/1/2015 là kỷ niệm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 năm nay đã trải qua 42 năm, một sự thật lịch sử của Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc, và Lá Cờ Hoà Giải Của Nước Việt Nam gần như bị lãng quên, hoặc là gần như rất nhiều người Việt Nam đã chưa từng biết tới, cũng như chưa từng được đọc văn bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973!!!  Tại sao có tình trạng như vậy?!

Hôm nay vì tính cách chính đáng, thiết yếu của yêu cầu hoà giải và hoà hợp dân tộc ở trong nước Việt Nam giữa những người có trách nhiệm cầm quyền độc đảng toàn trị và những người hoạt động dân chủ, đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền, chống tham nhũng và chống đối tính cách độc tài, độc quyền, độc đảng; hơn nữa, còn là yêu cầu chính đáng và nguyện vọng tha thiết của Nhân Dân Việt Nam muốn thực sự thực hiện quyền Tự Quyết trong các cuộc bầu cử, ứng cử tự do.  Cũng xin nhắc lại đây là nguyện vọng tha thiết và yêu cầu chính đáng của Nhân Dân Việt Nam từ năm 1973 vẫn còn nguyên cho tới năm nay; cho nên cái mô hình Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc cùng với Lá Cờ Hoà Giải Của Nước Việt Nam được nhắc lại trong ngày kỷ niệm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 để mong muốn mọi người Việt Nam trong nước cũng như hiện sống ở nước ngoài lưu ý biết tới nguyện vọng thiết tha và yêu cầu chính đáng của Nhân Dân Việt Nam. 

Nếu những người có trách nhiệm cầm quyền nước Việt Nam ở trên thượng-tầng-lãnh-đạo-xã-hội vẫn còn bị bế tắc, không tổ chức được một Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc, thì tất cả người thường dân Việt Nam ở trong-và-ngoài-nước, ở dưới hạ-tầng-xã-hội-Việt-Nam vẫn có thể tập họp nhau lại thành một tổ chức rộng lớn cả nước Việt Nam Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc để những Kẻ-Gây-Nghiệp-Chướng và Người-Chịu-Oan-Khiên/Dân-Oan trong nước có thể hoà giải trước công-lý; để Dân-Tộc-Kinh và các Dân-Tộc-Thiểu-Số trong nước có thể bình đẳng phát triển đồng đều, hài-hoà và hoà-hợp với nhau; để sự Tranh-Chấp-Quyền-Lực-Lãnh-Đạo-Xã-Hội-Việt-Nam ở trong nước có thể hoà giải, không-tập-trung-độc-quyền-của-một-ai, chỉ khi đó Nhân Dân Việt Nam mới có đủ sức-mạnh-dân-tộc-độc-lập chống lại Kẻ-Thù-Thực-Sự của dân tộc. 

Chẳng lẽ nào sau 42 năm ký kết Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 lập lại hoà bình trên toàn cõi Việt Nam cái tình trạng “phi-hoà-phi-chiến, không-chiến-tranh-không-hoà-bình” vẫn tiếp tục kéo dài gây tang thương, làm đau khổ nhiều thêm cho Nhân Dân Việt Nam, bởi vì những người có trách nhiệm cầm quyền nước Việt Nam vẫn không có đủ khả-năng-chiếm-và-giữ-được khối-óc và trái-tim của người dân Việt Nam.  Các chính sách quản lý đất nước của những người cầm quyền Việt Nam mang nhiều tính chất chống lại người dân Việt Nam, như vậy có thể nói là vẫn còn một thứ “chiến-tranh-nhân-dân giữa giới-cầm-quyền và người-dân-Việt-Nam”. 

Họ đã cưỡng-đoạt miền Nam Việt Nam thời hậu-chiến để thống nhất đất nước bằng bạo lực, nhưng họ đã thống trị cả nước mà không có thể thống nhất được tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. Chẳng lẽ nào những người có trách nhiệm cầm quyền nước Việt Nam thời hậu-chiến-kéo-dài đã 42 năm họ vẫn còn bị bế-tắc, không có đủ khả năng để thành lập Hội-Đồng-Quốc-Gia-Hoà-Giải-Hoà-Hợp-Dân-Tộc của nước Việt Nam để thống nhất ý chí, tập trung đoàn kết sức mạnh dân tộc độc lập để chống cự kẻ thù dân tộc đến từ bất cứ phương nào. Chẳng lẽ nào họ vẫn “cam-tâm-làm-búp-bê-câm-điếc-rẻ-tiền của ngoại-bang-phương-nào?”./.  
                                                                                                            
Sài Gòn, Nhân Ngày Kỷ Niệm 42 Năm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973                                               Nguyễn Thành Trí

(Trích  đoạn văn bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973)

Chương IV-VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 12:
a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi (90) ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ.

b) Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thuơng mà thỏa thuận. Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phuơng theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét