Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

BÀI HỌC VNCH 1975 CHO MỸ - BẮC HÀN - NAM HÀN

BÀI HỌC VNCH 1975 CHO MỸ - BẮC HÀN - NAM HÀN
Nguyễn Thành-Trí
Trên Bán Đảo Triều Tiên đã và đang có hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn như vào năm 1975 trở về trước có hai nước VNCH ở miền Nam và VNDCCH ở miền Bắc. Hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Lệnh Ngưng Bắn tháng 7/1953 ở vĩ tuyến 38 làm biên giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Biên giới Nam Hàn - Bắc Hàn là một khu vực có vũ trang nặng nề nhất thế giới. Thủ đô Hán Thành – Seoul của Nam Hàn ở trong tầm trọng pháo và hoả tiển của Bắc Hàn. Nếu Bắc Hàn bất ngờ tấn công bằng mưa pháo và tên lửa, thì Hán Thành - Seoul trở thành bình địa.  Nhưng tất cả các nguồn tin tức tình báo thu thập được từ Bắc Hàn cho biết Bắc Hàn không sẵn sàng để gây ra chiến tranh thêm một lần nữa, vì lần này chiến tranh nguyên tử với Mỹ có nghĩa là Bắc Hàn tự huỷ diệt, tự xoá bỏ chế độ độc tài họ Kim. 
Trên thực tế Mỹ đã điều nghiên một cuộc oanh tạc rất lớn và tàn khốc cùng một lúc đánh phủ đầu hơn 60 mục tiêu quân sự có giàn phóng tên lửa của Bắc Hàn để huỷ diệt toàn bộ chương trình nguyên tử của Bắc Hàn.  Một cuộc oanh tạc bất ngờ rất lớn và ác liệt sẽ có hơn một triệu người Bắc Hàn chết, và làm tê liệt guồng máy nhà nước Bắc Hàn. Vì thế Kim Chính Ân lo sợ sẽ làm thay đổi chế độ cộng sản độc tài của hắn.  Điều hắn muốn nhất là sự an toàn và kéo dài chế độ cộng sản độc tài của họ Kim.  Hắn muốn Mỹ có một sự bảo đảm với hắn là Mỹ sẽ không tấn công Bắc Hàn, vì vậy hắn rất muốn có một hiệp định hoà bình để thay thế cho lệnh ngưng bắn hiện nay. Việc vi phạm một lệnh ngưng bắn thì dễ dàng khả thi hơn việc vi phạm một hiệp định hoà bình.  Nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn trong lúc này thì dễ dàng khả thi hơn vì Mỹ chỉ vi phạm một lệnh ngưng bắn giữa hai nước Bắc Hàn – Nam Hàn đã có từ năm 1953. 
Tại diễn đàn khối Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á - ASEAN vào ngày 06/08/2017 bên lề cuộc họp tại Manila, Philippines, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Bắc Hàn phải ngừng việc phóng tên lửa nếu muốn đàm phán với Mỹ.  Ông Rex Tillerson xác nhận rằng các đường dây liên lạc với Bắc Hàn vẫn mở ra.  Đối thoại giữa Mỹ và Bắc Hàn có thể diễn ra khi hội đủ các điều kiện.  Mặc dù Mỹ không công nhận Bắc Hàn là một quốc gia nguyên tử, nhưng Mỹ phải chấp nhận một sự thật là Bắc Hàn có khả năng sức mạnh nguyên tử, và thái độ cùng hành động của Kim Chính Ân rất bất thường khó lường trước.
Vì có sự trợ giúp của Nga và Tàu Cộng nên Bắc Hàn – Kim Chính Ân đã và đang phát triển nhanh khả năng nguyên tử có thể trực tiếp đe doạ Mỹ.  Kim Chính Ân đang dùng chương trình vũ khí nguyên tử để bảo vệ chế độ cộng sản độc tài đảng trị họ Kim của mình một cách khá thành công.  Người ta cũng không quên nhận dạng ra kẻ đứng sau lưng Bắc Hàn - Kim Chính Ân rõ ràng là Tàu Cộng - Tập Cận Bình; tương tự như vậy, trong Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953 Tàu Cộng – Mao Trạch Đông cũng đã trợ giúp Bắc Hàn – Kim Nhật Thành đánh Nam Hàn và Mỹ.  Tàu Cộng luôn lo sợ một nước Đại Hàn thống nhất và đồng minh với Mỹ.
Về phía Nam Hàn hiện nay lời lẽ hòa dịu hơn nhiều. Một viên chức phủ tổng thống Nam Hàn cho biết tổng thống Moon Jae In muốn trực tiếp nói chuyện với Bắc Hàn – Kim Chính Ân, và luôn dành ưu tiên các giải pháp hòa bình cho vấn đề Bán Đảo Triều Tiên.
Ở đây có một bài học VNCH 1975 cho Mỹ và cho cả Bắc Hàn -Nam Hàn.  
Nhiều người Miền Nam VN đã kết án Mỹ phản bội đồng minh VNCH, nhưng họ không hiểu vì lúc đó năm 1973 họ đã không được biết nội dung bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 ra sao.  Đổi lấy việc duy trì TT Thiệu ở chức vụ lãnh đạo VNCH cho tới ngày tổng tuyển cử ở miền Nam VN bằng các sư đoàn CSBV ở dưới vĩ tuyến 17 không rút về miền Bắc. Mỹ đã để lại rất nhiều đủ loại phương tiện quân sự cho VNCH.  Cụ thể là 114 chiếc máy bay phản lực chiến đấu cơ F5A, nhiều xe tăng M113, M41A3, M48A3, súng đại bác 105 ly, 155 ly, hơn một triệu súng trường M16, quân trang quân dụng, và trang thiết bị, vân vân …còn mới nguyên cho Quân Đội VNCH.  Những thứ này đã bị CSBV tịch thu toàn bộ khi cưỡng chiếm chính quyền VNCH vào ngày 30/4/1975
TT Nguyễn Văn Thiệu đã thừa hưởng một nguồn tài nguyên vật lực, nhân lực dồi dào của nước VNCH.  Tổng tư lệnh quân đội Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ huy Quân Lực VNCH.  Quân Lực VNCH đã từng đứng đầu các quân lực của các nước Đông Nam Á trước năm 1975. Quân Lực VNCH là một lực lượng quân sự rất mạnh so với lực lượng quân sự của chính phủ Việt Cộng Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam chỉ có các nhóm du kích và các đại đội lính địa phương không đủ quân số.  Các sư đoàn CSBV để lại miền Nam phải nguỵ trang làm lực lượng quân sự của chính phủ Việt Cộng Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam.  Trên mặt trận chính trị, tại sao gọi là chính phủ lâm thời, vì nó chưa được các nước chính thức công nhận. Trong khi chính phủ VNCH đã chính thức được 87 nước trên thế giới công nhận từ lâu, và là thành viên của Liên Hiệp Quốc.  Nếu so sánh lực lượng ở miền Nam VN thì TT Thiệu ở thế chủ động có sức mạnh quân sự và nhiều quyền lực chính trị trội hơn Việt Cộng rất nhiều.
Các sư đoàn CSBV phải đồng hoá bộ đội cộng sản miền bắc nguỵ trang làm lực lượng quân sự Việt Cộng Miền Nam VN.  Bằng chứng rõ ràng khi các xe tăng và bộ đội CSBV di chuyển về các tỉnh thành của VNCH đều phải che đậy nguồn gốc bằng cách treo cờ Việt Cộng Miền Nam VN, lá cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng chứ không phải cờ đỏ sao vàng CSBV. Trước khi phải từ chức vào ngày 21/4/1975 TT Thiệu đã yêu cầu Mỹ giải quyết hết các sư đoàn CSBV đang ở dưới vĩ tuyến 17 bằng những chuyến bay B52, nhưng Mỹ không đáp ứng yêu cầu của TT Thiệu; vì nếu rãi thảm bom B52 trên các sư đoàn CSBV vào thời gian tháng 4/1975 là Mỹ rõ ràng vi phạm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973.  Nói về vấn đề vi phạm hiệp định hoà bình, cả ba bên VNCH, CSBV, Việt Cộng Miền Nam VN đều đã vi phạm; cho nên Uỷ Ban Quốc Tế Giám Sát Thi Hành Hiệp Định ở miền Nam VN đã làm việc không có kết quả.  TT Nixon hứa sẽ trả đủa mạnh mẽ nếu CSBV vi phạm hiệp định, nhưng VNCH – TT Thiệu đã vi phạm hiệp định, thì Mỹ - TT Nixon phải làm sao?  Hơn nữa, trên mặt trận chính trị, TT Thiệu đã không có một lực lượng cán bộ chính trị đáng kể.
Sau khi ký kết hiệp định hoà bình là Mỹ không thể tiếp tục can thiệp quân sự vào miền Nam VN, là VNCH phải chiến đấu chính trị với CSVN.  Về phía Mỹ để yểm trợ cho TT Thiệu trong cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam VN chống lại Việt Cộng chính phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN, Mỹ đã bí mật có một đội ngũ cán bộ người Việt nói rành tiếng Mỹ, được tập huấn chính trị đầy đủ và biết cách thức tổ chức bầu cử ứng cử dân chủ tự do.  Họ đã bí mật hiện diện và bắt đầu làm việc của họ ở các tỉnh thành VNCH ở miền Nam sau năm 1973. 
Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 đã thực sự được bốn bên ký kết là Mỹ, VNCH, CSBV, và Việt Cộng Miền Nam; trên nguyên tắc là bốn bên phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định.  Chỉ có Mỹ thi hành chấm dứt chiến tranh VN, còn ba bên kia là người VN thì không.  Bởi vì TT Thiệu chủ động từ chối thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hoà Giải Hoà Hợp Dân Tộc VN ngay từ đầu, nên trên mặt trận chính trị VNCH đã bị bế tắt. TT Thiệu đã ích kỷ, độc tài và lo sợ, nghi kỵ người khác cho dù là người quốc gia VNCH.  Nếu bầu cử ứng cử dân chủ tự do thì Thiệu lo sợ bị thất cử.  Thiệu lo sợ bị mất chức tổng thống.  TT Thiệu phải liên hiệp các đảng phái quốc gia và những người Việt quốc gia VNCH trong một chính phủ liên hiệp, đoàn kết quốc gia, nhưng TT Thiệu đã không làm được như vậy. TT Thiệu nhìn người nào cũng thành ra Việt Cộng, nên TT Thiệu không chịu liên hiệp.  Phải nói cho rõ ở đây là liên hiệp các đảng phái quốc gia VNCH chống lại Việt Cộng. Trên mặt trận chính trị TT Thiệu đã làm hỏng kế hoạch hoạt động bầu cử ứng cử dân chủ tự do ở miền Nam VN của Mỹ. TT Thiệu nhất định không thành lập Hội Đồng QGHGHHDT vì cho rằng việc thành lập hội đồng này là liên hiệp với cộng sản.  Trong trường hợp hội đồng QGHGHHDT được thành lập thì phía VNCH TT Thiệu là người nắm phần chủ động chính yếu, vì VNCH là thành phần có đủ khả năng đứng ra tổ chức thành lập hội đồng.  Và TT Thiệu vẫn còn duy trì được quyền lực quân sự và chính trị của mình cho tới ngày tổng tuyển cử ở miền Nam VN.  Nhưng TT Thiệu đã không hiểu như vậy; Thiệu lo sợ bị thất cử, lo sợ bị mất chức tổng thống.  TT Thiệu cố giữ lấy chức tổng thống cho tới ngày Mỹ không thoả mãn yêu cầu rãi thảm bom B52 trên các sư đoàn CSBV hiện đồn trú dưới vĩ tuyến 17 ở miền Nam VN, và cuối cùng Thiệu phải từ chức vào ngày 21/4/1975.  Đây là bài học VNCH 1975 cho Mỹ và cho cả Bắc Hàn và Nam Hàn.
Bây giờ Bắc Hàn – Kim Chính Ân rất muốn có một Hiệp Định Hoà Bình thay thế Lệnh Ngưng Bắn 1953.  Một hiệp định hoà bình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Hàn những điểm chính như sau: 
(1) bảo đảm Mỹ sẽ không bất ngờ tấn công Bắc Hàn; 
(2) chế độ cộng sản độc tài đảng trị họ Kim vẫn còn duy trì, người dân Bắc Hàn tự giải quyết sinh mệnh chính trị của họ;
(3) cho dù Mỹ không công nhận Bắc Hàn là một quốc gia nguyên tử như Ấn Độ và Hồi Quốc, Mỹ cũng phải chấp nhận một thực tế là Bắc Hàn có khả năng sức mạnh nguyên tử;
(4) LHQ phải xét lại lệnh cấm vận; mấy chục năm nay đã từng cấm vận Bắc Hàn, nhưng cửa sau vẫn mở cho thông quan mậu dịch giữa hai nước cộng sản Tàu Cộng - Bắc Hàn; hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn trợ giúp cho các ngân hàng Bắc Hàn. Vì vậy cấm vận Bắc Hàn đã không kết quả như mong muốn; 
(5) Kim Chính Ân sẽ tăng nhiều quyền lực và uy thế chính trị trong nội bộ Đảng Lao Động Triều Tiên; 
(6) Có một điều rất quan trọng không thể không nói tới là việc rút hết lính Mỹ ra khỏi Nam Hàn; ở vĩ tuyến 38 biên giới Bắc Hàn – Nam Hàn có chừng 28000 lính Mỹ giúp bảo vệ Nam Hàn theo Lệnh Ngưng Bắn 1953, bây giờ nếu có một Hiệp Định Hoà Bình thì phải rút hết lính Mỹ về nước, không còn lý do gì cho lính Mỹ ở lại Nam Hàn. Chuyện này từ lâu Tàu Cộng đã mong muốn như vậy.
Trong tương lai, một thời gian sau đó tổng thống Nam Hàn có ra lệnh yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Nam Hàn như Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu đã làm hay không?  Ông Vũ Văn Mẫu lên làm thủ tướng chỉ một ngày, thì đúng vào ngày 29/4/1975 đã bất ngờ ra lệnh yêu cầu tất cả người Mỹ phải đi khỏi nước VNCH trong thời hạn 24 giờ đồng hồ.  Để tất cả người Mỹ đi khuất, xong rồi vào ngày kế tiếp 30/4/1975 VNCH đầu hàng CSBV. Ông Vũ Văn Mẫu mới thực sự là người có công lớn đã có đủ quyền lực đuổi tất cả người Mỹ ra khỏi nước VNCH trong thời hạn một ngày, không tốn một viên đạn, không chết một người VN nào; chiến công hiển hách này của ông Vũ Văn Mẫu, chứ không phải của những người CSVN như đã tuyên truyền láo toét.  Suốt trong ngày 29/4/1975 những chiếc phản lực chiến đấu cơ của Mỹ đã bay trên không phận miền Nam VN và những đơn vị tác chiến nhanh TQLC Mỹ đã báo động sẵn sàng, nhưng tất cả phải bỏ cuộc, vì phía bộ đội CSBV và lính địa phương Việt Cộng miền Nam cố tránh chạm trán với Mỹ. 
Tóm lại, chẳng những Bắc Hàn – Kim Chính Ân rất cần một Hiệp Định Hoà Bình mà cả Nam Hàn cũng cần nó để thay thế Lệnh Ngưng Bắn 1953. Mỹ và cả hai Nam Hàn và Bắc Hàn đang có một bài học quí giá là Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 của nước VNCH.  Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 là một mô hình hoà bình để giải quyết triệt để Chiến Tranh VN và sau đó giải quyết Chiến Tranh Triều Tiên; tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định hoà bình này đã bị thất bại, vì TT Nguyễn Văn Thiệu VNCH và những người CSVN đã không nghiêm chỉnh thi hành./.
Nguyễn Thành-Trí – Sài Gòn, 24/8/2017






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét