Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

XIN ĐỪNG BỎ RƠI NGƯỜI TỊ NẠN

XIN ĐỪNG BỎ RƠI NGƯỜI TỊ NẠN                                                                  Dr. Tristan Nguyễn

Người Tị Nạn là nạn nhân, họ phải bỏ lại tài sản và mạo hiểm mạng sống của họ  để đi lánh nạn và tìm những nơi sống an toàn hơn; cho nên họ đã đang cố gắng hết sức để trốn tránh sự tàn ác của một chế độ độc tài thống trị, hoặc sự dã man của bạo lực khủng bố. Người Tị Nạn rõ ràng là nạn nhân, họ không phải là những kẻ Khủng Bố mất tính người. Những quốc gia hảo tâm luôn có tấm lòng bao dung tử tế và đó chính là sức mạnh chống lại sự tàn ác dã man. Hơn nữa, những quốc gia hảo tâm, nhân ái luôn không sợ những kẻ phá hoại quá khích, khủng bố điên cuồng; cho nên họ không bỏ rơi người tị nạn.
Trong buổi tối thứ Sáu ngày 13/11/2015 tại thủ đô Ba-Lê nước Pháp có một loạt các vụ tấn công của khủng bố bằng bom tự sát và xả súng bắn vào người thường dân đã giết chết 129 người và làm bị thương 352 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau khi họ đang xem trận thi đấu bóng đá giữa hai nước Pháp và Đức, hoặc đang thưởng thức buổi trình diễn ca nhạc, hoặc đang nhấm nháp mùi vị cà phê ở quán cà phê. Nói chung là họ đang hưởng thụ cái lối sống tự do, vui vẻ, thoải mái ở Thủ Đô Ánh Sáng Ba-Lê, thì bất ngờ những kẻ khủng bố xuất hiện cướp đi hạnh phúc cũng như mạng sống quí giá của họ.
Những kẻ khủng bố chẳng những đã giết người vô tội mà chúng còn gây ra một ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho người dân ở các nước Châu Âu với nỗi lo sợ và nghi kỵ người dân Hồi Giáo tị nạn đến từ các nước đang có chiến tranh như Iraq, Afghanistan, và Syria. Người dân Châu Âu lo sợ và nghi kỵ người dân Hồi Giáo tị nạn là những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, không nên đồng hoá người tị nạn chân thật với những kẻ khủng bố quỉ quyệt, bởi vì người tị nạn đã phải trốn tránh những kẻ khủng bố và sự tàn phá huỷ diệt của chiến tranh, họ nhất định không phải là những kẻ khủng bố.
Ngược lại, những kẻ khủng bố quỉ quyệt có lẽ đã có thể giả dạng làm người tị nạn, nhưng trong số một ngàn người tị nạn có thể có vài tên khủng bố ẩn núp trong cộng đồng tị nạn, mà không sớm thì muộn chúng cũng sẽ bị phát hiện. Tình hình như thế thì không nên vì lo sợ, nghi kỵ có một vài tên khủng bố, mà bỏ rơi nhiều ngàn người tị nạn đang chịu đựng đau thương, khổ sở, và họ đang rất cần được cứu giúp. Người tị nạn là những người đang cố gắng tìm nơi tạm dung để họ có thể tiếp tục sống và làm việc theo khả năng của họ. Họ rõ ràng không phải những kẻ khủng bố đã gây tội ác trong buổi tối thứ Sáu ngày 13/11/2015 ở Ba-Lê. 
Sự kiện khủng bố Ba-Lê vừa qua cũng đã tạo được một ảnh hưởng mạnh lên một số chính phủ của một số quốc gia Châu Âu khiến cho họ phải xét lại cái quyết định tiếp nhận người tị nạn để tái định cư trong nước của họ trong tương lai gần. Cụ thể như chính phủ Ba Lan bây giờ lên tiếng từ chối tiếp nhận 4500 người tị nạn như trước đây đã đồng ý theo kế hoạch chia sẻ phân phối tái định cư người tị nạn trong toàn khối Liên Âu. Còn nước Slovak thì nghĩ rằng có những nguy cơ an ninh quá lớn liên quan tới việc tái định cư người tị nạn trong nước của họ, nên Slovak bây giờ mạnh mẽ từ chối tiếp nhận bất cứ một người tị nạn nào.  Một cách khác biệt rõ rệt, nước Đức vẫn cương quyết thực hiện chính sách “Mở-Rộng Vòng-Tay/Open-Arms” tiếp nhận tám trăm ngàn người tị nạn được quyền tạm dung ở nước Đức trong năm 2015.  
Khi xem xét một cách khách quan các sự kiện đã xảy ra của những kẻ khủng bố đã phạm tội ác giết người dân lương thiện, người ta nhận thấy đó là khủng bố nội địa do những kẻ khủng bố ở trong nước Pháp hoặc ở trong các nước Châu Âu khác thực hiện chứ không phải do những phần tử cực đoan Hồi Giáo quá khích ở nước ngoài xâm nhập vào trong nội địa. Thí dụ cụ thể như sau:

(1) Vụ nổ bom trên xe lửa vào năm 2004 ở thành phố Madrid giết chết 191 người và làm bị thương 1800 người. Vụ khủng bố này đã do một nhóm công dân Tây Ban Nha gốc người Maroco, Syria, Algeria, và hai tên mật báo viên của Cảnh Sát Tây Ban Nha phối hợp hành động gây tội ác. Rõ ràng những tên khủng bố này không phải người tị nạn.

(2) Một loạt những kẻ khủng bố hợp tác làm nổ bom tự sát vào ngày 7/7/2005 ở thành phố Luân Đôn đã giết chết 52 người và làm bị thương hơn 700 người. Vụ khủng bố nội địa này là do bốn người công dân Anh, có ba người sinh quán trong nước Anh đang sống tại thành phố Leeds, và một người kia là di dân Jamaica định cư ở Anh đang sống tại thành phố Buckinghamshire. Rất rõ ràng những tên khủng bố này cũng không phải người tị nạn.
(3) Vụ khủng bố tấn công toà soạn tờ báo châm biếm Charlie Hebdo và một cửa hàng siêu thị người Do Thái ở thành phố Ba-Lê vào ngày 7/1/2015 đã giết chết 20 người và làm bị thương 11 người.  Vụ khủng bố này là do ba công dân Pháp nguồn gốc Algerian sanh tại Pháp. Tất cả họ đều không phải người tị nạn. 
Các vụ khủng bố nội địa đã xảy ra ở ba nước Tây Ban Nha, Anh, và Pháp vừa được nêu trên cũng tương tự như các vụ khủng bố nội địa đã xảy ra ở nước Mỹ đều không phải do người tị nạn gây ra. Thí dụ cụ thể vài vụ khủng bố nội địa điển hình ở nước Mỹ là:
(4)  Vào ngày 19/4/1995 hai tên Timothy McVeigh và Terri Nichols đã nổ bom phá hoại toà nhà chính phủ liên bang ở thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma, làm chết 168 người và làm bị thương 680 người.
(5) Vào ngày 15/4/2013 trong lúc cuộc chạy Marathon của thành phố Boston đang diễn ra gần mức kết thúc thì hai tên Tamerian Tsarnaev và Dzhokhar Tsarnaev đã làm cho hai trái bom nổ giết chết ba người, làm bị thương 264 người.
Khi nhận xét một cách khách quan, rõ ràng là những hung thủ giết người trong các vụ khủng bố nội địa ở các nước tự do đều không phải người tị nạn. Bởi vì người tị nạn chắc chắn là không phải những kẻ khủng bố; và vì một cách dễ hiểu là họ đã đang cố gắng tìm nơi tạm dung hoặc nơi bình an được tái định cư để họ có thể xây dựng lại cuộc sống mới của họ ở đất khách quê người.
Lẽ tất nhiên là hậu quả của các vụ khủng bố kinh hoàng ở Ba-Lê vào buổi tối thứ Sáu 13/11/2015 cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên những người làm chính trị ở nước Mỹ. Cũng dễ hiểu sự quan tâm lo lắng của họ đối với nền an ninh quốc gia ở tiểu bang do họ trách nhiệm quản trị trong Liên Bang Mỹ. Tình hình đã diễn tiến như vậy nên ở nước Mỹ đã có 27 vị Thống Đốc tiểu bang đều thuộc Đảng Cộng Hoà đã lên tiếng không muốn tiếp nhận người tị nạn đến tái định cư trong tiểu bang của họ.  Mặc dù thẩm quyền hiến định tiếp nhận người tị nạn vào nước Mỹ là của liên bang, nhưng việc thực hiện phân bố người tị nạn được tái định cư ở các tiểu bang mà không có sự hợp tác của các vị thống đốc thì thật là trở ngại nhiều thứ. Hơn nữa, các ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng Hoà cũng đã tranh luận với lập trường không tiếp nhận thêm người tị nạn vào nước Mỹ. Tuy là đang có những trở ngại lớn như vậy, và những chỉ trích nặng nề, nhưng TT Obama vẫn quyết định không thay đổi các chương trình tiếp nhận mười ngàn người Syrian tị nạn trong năm 2016.  
Người tị nạn Syrian không phải là nguyên nhân gây ra các vụ khủng bố và họ cũng không phải là hung thủ khủng bố trong đêm thứ Sáu 13/11/2015 ở thành phố Ba-Lê. Nếu kết tội người tị nạn là những kẻ khủng bố, thì rõ ràng không hiểu rằng họ, những người tị nạn, đã đang lánh nạn khủng bố; phải nói chính xác là họ đã đang trốn tránh những kẻ dùng bạo lực để gây sợ hãi, để huỷ hoại nếp sống vui vẻ bình yên, để giết người. Vì vậy, người tị nạn và kẻ khủng bố là hai thành phần rõ ràng hoàn toàn khác nhau, không thể nhập chung cả hai lại làm một vấn đề, vì mỗi thứ có cách giải quyết riêng của nó.
Để kết luận, chính bản thân của người viết bài này cũng là một người tị nạn, Tị-Nạn Việt-Cộng, cũng giống như đa số người Việt tị nạn cộng sản, nên đương sự có một cảm thông sâu sắc với tất cả người tị-nạn các-loại ở khắp nơi. Bởi vì người tị nạn là những người không được bình an, bị lâm nguy, cần phải lánh nạn, và cần được cứu giúp. Nếu bốn mươi năm trước nước Mỹ và các nước tự do đã không cứu giúp, không cho tạm dung, và không cho phép tái định cư, thì đương sự và đa số người Việt tị nạn không có được cuộc sống tốt đẹp của ngày nay. Vì vậy, bây giờ đương sự tha thiết yêu cầu những người có thẩm quyền quyết định ở các quốc gia hảo tâm, bao dung, “Xin Đừng Bỏ Rơi Người Tị Nạn”./.
 Dr. Tristan Nguyễn                                                                                              San Francisco, 18/11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét