Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

THỰC LỰC CỦA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG Á CHÂU

THỰC LỰC CỦA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG Á CHÂU                                                        Nguyễn Thành Trí

Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu có tên gọi tiếng Anh là The Asian Infrastructure Investment Bank viết tắt là AIIB; hãy nói cho đúng và đầy đủ ý nghĩa là Ngân Hàng Đầu Tư Xây Dựng Hạ Tầng Cơ Sở Thuỷ Bộ ở các nước nhỏ Á Châu do chính phủ Trung Cộng đề xướng và kêu gọi các nước khác, nhất là các nước Tây Âu có nền kinh tế lớn đã phát triển nên hợp tác với Trung Cộng. Có một điều người ta đã nhận thấy rõ ràng AIIB chính là một trong những cái tham vọng điên cuồng muốn bành trướng cả hai lãnh vực “cương quyền” và “nhu quyền” của đảng và chính phủ Trung Cộng đang được họ hết sức đẩy mạnh trong thời gian gần đây.
“Cương quyền/Hard-power” là “sức mạnh cứng” bao gồm các hoạt động quân sự mà đảng và chính phủ Trung Cộng đã không ngừng có những hành động quân sự từ năm 1950 để chiếm đóng tiểu quốc Tây Tạng, Vùng Nội Mông thuộc nước Mông Cổ, và lấn chiếm sở hữu những vùng đất biên giới của Ấn Độ, Miến Điện, và Bắc Việt Nam; “cương quyền” của đảng và chính phủ Trung Cộng kéo dài cho tới bây giờ cũng còn đang lấn chiếm sở hữu các nhóm hải đảo trong vùng Biển Đông Việt Nam. Trong lúc “Nhu quyền/Soft-power” là “sức mạnh mềm” bao gồm các hoạt động chính trị được lồng vào bên trong những cuộc trao đổi thương mại, viện trợ kinh tế, hợp tác tài chánh, và giao lưu văn hoá giáo dục mà đảng và chính phủ Trung Cộng cũng đã hết sức gấp rút bằng mọi cách thực hiện sau khi đã trở thành một nền kinh tế lớn thứ nhì đứng sau nước Mỹ trên thế giới; hãy nói cụ thể là đảng và chính phủ Trung Cộng đã xây dựng được 440 Viện Khổng Tử hoạt động trao đổi văn hoá giáo dục ở trong các trường học của 120 quốc gia, và đồng thời chính phủ Trung Cộng cũng đã vận động thành lập được một khối hợp tác tài chánh có tên gọi là BRICS bao gồm các nước Brazil/Ba Tây ,Russia/Nga,  India/Ấn Độ, China/Trung Cộng, South-Africa/Nam Phi với một tham vọng là sẽ mở một Ngân Hàng Phát Triển Mới/New Development Bank kết hợp với một ngân khoản phát triển Con Đường Tơ Lụa/Silk Road (Silk Road Development Fund) có liên quan phần lớn với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải/Shanghai Co-operation Organization cùng có một mục tiêu là nối liền Hoa Lục với các nước láng giềng Đông-Á, Nam-Á, Trung-Á và Nga. 
Tuy nhiên, cũng có một điều khiến cho người ta ngạc nhiên là Con Đường Tơ Lụa chạy đi vòng vèo sang tới Brazil/Ba Tây ở Châu Mỹ La Tinh và rồi tới South-Africa/Nam Phi ở tận phiá nam Phi Châu! Trên thực tế cái khối BRICS, bị nói châm biếm là một “Cục Gạch” vừa nêu trên, nó chỉ là một “Cục Gạch Vỡ” vì thực lực của nó là “chưa được bắt đầu thì đã hỏng!” và khiến cho Con Đường Tơ Lụa vẫn còn là một con đường nhuốm đầy màu sắc huyền thoại hoang tưởng trong chuyện lịch sử cổ tích thú vị!
Sơ lược những nét chính của cả hai lãnh vực “Cương quyền” và “Nhu quyền” mà thời gian vừa qua đảng và chính phủ Trung Cộng đã đang hết sức cố gắng thực hiện, kéo dài cho tới ngày nay là họ đang xây dựng thêm những hải đảo nhân tạo có tính cách quân sự với sân bay, bến tàu, và trại lính ở những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền; cũng như đồng thời họ đang kêu gọi hợp tác thành lập thêm một ngân hàng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông thuỷ bộ, nhà máy năng lượng, mạng lưới điện thoại viễn thông ở các nước nhỏ Á Châu với tổng số vốn đầu tư được ước tính lên tới mười ngàn tỉ đô la! Quả thật đây là một số vốn đầu tư rất-lớn-quá-cỡ, nhưng cái vốn sẵn có của chính phủ Trung Cộng chỉ tới ba ngàn tỉ đô la ngoại tệ dự trữ. 
Có một điều quan trọng cần ghi nhớ là “Đô La Ngoại Tệ Dự Trữ” đúng là Tiền-Nước-Ngoài không phải Nhân-Dân-Tệ của đảng và chính phủ Trung Cộng! Vì vậy cái khả năng tài chánh thực sự của Hoa Lục cần phải được xem xét lại cẩn thận, và cũng chính vì vậy mà đảng và chính phủ Trung Cộng phải kêu gọi các nước khác hợp tác! Cũng có thêm một điều đáng chú ý là sáng-lập-viên quan trọng của cái ngân hàng đầu tư khổng lồ này trước hết phải là đảng và chính phủ Trung Cộng! Khi hiểu được cái yếu-tố-ắt-có này, người ta mới dễ hiểu hơn tại sao các nước phát triển Tây Âu và Úc Châu lại quyết định tham gia cùng làm sáng lập viên. Bởi vì họ không muốn đảng và chính phủ Trung Cộng lại có dịp tạo cơ hội giở trò quỷ quái.
Hơn nữa, người ta đã biết quá rõ cái tham vọng điên cuồng của đảng và chính phủ Trung Cộng là bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông, làm quyền bá chủ Đông Nam Á; đồng thời cũng trực tiếp chống lại các tổ chức tài chánh quốc tế là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu có văn phòng chính ở Manila nước Phi, nhưng do những viên chức người Nhật quản lý điều động ngân sách, và Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế/ International Monetary Fund cũng như Ngân Hàng Thế Giới từ trước tới nay do người Mỹ giữ vai trò lãnh đạo. Cũng có một điều hiển nhiên dễ hiểu là nước Mỹ và các đồng minh quan trọng phải ngăn chặn không để cho Trung Cộng phá rối trật tự thế giới và phá hoại cơ chế Breton Woods đã ổn định từ sau Thế Chiến II cho tới nay; hãy nói cho rõ hơn là không để cho Trung Cộng làm tổn hại, làm suy yếu Ngân Hàng Thế Giới/ World Bank và Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế/ International Monetary Fund, gọi tắt là IMF.
Tuy nhiên, đảng và chính phủ Trung Cộng đã tỏ vẻ rất sung sướng hãnh diện khi biết rằng hai nước Anh và Úc là hai đồng minh thân cận rất quan trọng của Mỹ đã tuyên bố chính thức tham gia đồng sáng lập ngân hàng AIIB với Trung Cộng.  Bởi vì bất ngờ xảy ra “chuyện-tình-hai-nàng-Anh-Úc cùng bỏ rơi chàng-Mẽo để đi-theo chàng-Tàu tìm kiếm của-rơi Á Châu!” cũng khiến người ta sững sờ bối rối.  Người ta đã thấy chẳng những chỉ có hai-nàng-Anh-Úc, mà còn cả một-đám-chị-em là Đức, Pháp, Ý, Nhật, Nam Hàn, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Nam Dương, Ấn Độ đều là những nước dân chủ tự do lại cùng bỏ-rơi chàng-Mẽo để đi-theo chàng-Tàu hợp tác làm ăn! Với kết quả khởi đầu tốt như thế khiến cho đảng và chính phủ Trung Cộng vui mừng hưng phấn quá cỡ, nhưng Trung Cộng cũng đừng vì quá vui mà vội quên rằng tất cả những Người-Đẹp Âu-Úc-Á này đều là những người văn minh tiến bộ, học rộng hiểu nhiều; họ chỉ muốn một điều là Trung Cộng phải ngưng chơi-trò ảo-thuật, không giở trò bịp bợm giành giựt đánh nhau, làm thấm thiá cái ái-tình-công-khai khi Trung Cộng minh bạch mọi giao dịch, giữ đúng giá trị tín dụng và tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi hiểu được cái hậu ý như thế, thì người ta mới hiểu rằng nước Mỹ không còn phải lo ngại Trung Cộng sẽ lợi dụng hoạt động AIIB để đưa ra những cái lợi của sự phát triển hạ tầng cơ sở ở các nước có tranh chấp chủ quyền hải đảo và vùng biển với Trung Cộng để chèn ép các nước nhỏ này; ngược lại, nước Mỹ rất vui lòng đưa tiển các Người-Đẹp Âu-Úc-Á yêu quí của mình đi-theo Trung-Cộng tìm kiếm của-rơi ở AIIB/Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu. 
Bởi vì sự có mặt đông đủ của các Người-Đẹp Âu-Úc-Á, là những nền kinh tế lớn và đã phát triển này sẽ có thể kìm chế đảng và chính phủ Trung Cộng không được độc quyền quyết định, phải làm ăn đứng đắn và giữ đúng giá trị tín dụng khi công khai minh bạch mọi giao dịch. Do sự tham gia đồng sáng lập ngân hàng AIIB của Trung Cộng khởi xướng, các quyền lực kinh tế lớn Âu-Úc-Á mong muốn “cải-tạo” tối đa tính chất “công khai minh bạch” của nền kinh tế-tài chánh Hoa Lục, một thực-thể-kinh-tài vẫn còn mang nặng tính cách kỹ-xảo ảo-thuật, dĩ nhiên là nó không trung thực, thành thật!
Tóm lại, cái Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu/Asian Infrastructure Investment Bank/AIIB đúng là một thực-thể cho vay tiền do Trung Cộng khởi xướng để xây dựng mở mang hạ tầng cơ sở giao thông, nhà máy năng lượng, mạng lưới điện thoại viễn thông ở các nước nhỏ Châu Á, đây cũng là một cách Trung Cộng bành trướng lãnh vực “nhu quyền/sức mạnh mềm” của Trung Cộng.  Vì đảng và chính phủ Trung Cộng đã không đủ nguồn vốn ước tính là mười ngàn tỉ đô la trong khi Trung Cộng chỉ có tới ba ngàn tỉ đô la ngoại tệ dự trữ, nên Trung Cộng phải kêu gọi các nước có nền kinh tế lớn đã phát triển để cùng tham gia hợp tác đồng sáng lập cái ngân hàng đầu tư này, đây cũng là một hình thức “huy-động-vốn-tư-bản”.
Để ngăn chặn Trung Cộng giở trò thao túng độc quyền chèn ép các nước nhỏ trong khu vực, và ngăn ngừa Trung Cộng phá hoại Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã đang hoạt động hữu hiệu từ lâu nay ở Á Châu, thì các nước có nền kinh tế lớn đã phát triển phải sẵn sàng góp vốn với Trung Cộng để thực hiện cái ngân hàng đầu tư AIIB này, và phải hợp tác với Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đề cao các tiêu chuẩn công khai minh bạch kế toán, giữ đúng giá trị tín dụng và quyền bình đẳng giữa bên cho vay và bên vay tiền, có nghĩa là không có điều kiện chèn ép chính trị đối với nước nhỏ vay tiền; các dự án phải có cam kết bảo vệ môi-sinh và quyền sống của con người ở những nơi có công trình xây dựng hạ tầng.  Thực lực của Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu/AIIB do Trung Cộng khởi xướng là sẽ phải như thế./.
Nguyễn Thành Trí   Sài Gòn, 5/4/2015 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét